Nhớ lại những năm tháng xưa, anh Sình Dỉ Gai (sinh năm 1976) chia sẻ, sinh ra và lớn lên tại Lô Lô Chải, chứng kiến bao thế hệ cần cù chịu khó làm nông nghiệp, gắn bó với cây ngô, cây lúa nhưng cũng chẳng đủ ăn. Bước ngoặt cuộc đời anh Sình Dỉ Gai bắt đầu từ năm 2009. Khi ấy, tỉnh Hà Giang tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở Sa Pa (Lào Cai) và anh may mắn được tham gia đoàn. Đến nơi, anh thấy rất bất ngờ khi chứng kiến những vị khách nước ngoài cùng ăn cơm, nói chuyện và nghỉ ngơi ở nhà người dân. Hôm sau, khi khách dời đi, họ gửi lại tiền cho chủ nhà.
Trưởng thôn trẻ lúc đó thấy rất phấn khởi nghĩ rằng sẽ học tập theo cách làm du lịch này vì vừa gìn giữ được bản sắc dân tộc, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại có được nguồn thu nhập ổn định, cao hơn trồng lúa, trồng ngô rất nhiều lần. Thế nhưng phải đến 2 năm sau, ý tưởng ấy của anh Sình Dỉ Gai mới trở thành hiện thực. Năm 2011, anh Gai vận động gia đình làm mô hình homestay đầu tiên với quy mô nhỏ, chỉ có một phòng, đủ cho 6 khách lưu trú. Nhờ sự nỗ lực, ham học hỏi của bản thân, sự quan tâm của chính quyền các cấp, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Luxembourg về thí điểm mô hình du lịch cộng đồng, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm của thôn Lô Lô Chải đã từng bước hình thành.
Cảnh quan tuyệt phẩm, lại nằm dưới chân núi Rồng - nơi Cột cờ Lũng Cú, lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay trước gió là điều kiện hết sức thuận lợi thu hút khách du lịch từ mọi nơi đổ về. Lượng khách ngày càng đông, anh Sình Dỉ Gai tiếp tục cải tạo, đầu tư thêm hai căn homestay nữa để nâng công suất phòng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Thấy nhà anh Gai làm homestay cho thu nhập khá, nhiều hộ khác trong bản học tập làm theo. Hầu hết các căn nhà đều được bố trí theo phong cách truyền thống với hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung rộng rãi, hợp vệ sinh. Đến nay, cả bản đã có 32 hộ gia đình kinh doanh homestay.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng, lại là một đảng viên, anh Sình Dỉ Gai luôn tâm niệm và tuyên truyền tới bà con phải giữ gìn vệ sinh chung, sửa sang nhà cửa cần theo lối kiến trúc cũ để vừa đủ điều kiện đáp ứng phục vụ khách du lịch nhưng phải giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Anh Gai đã hướng dẫn chơi nhạc cụ cho hơn 100 học sinh từ cấp mầm non đến cấp 2.
Hơn một thập kỷ chuyển đổi phương thức làm kinh tế, từ việc làm nông nghiệp đơn thuần, làm bạn với cây ngô, cây lúa quanh năm, giờ đây, bà con thôn Lô Lô Chải đã có cuộc sống mới, ấm no, khấm khá hơn nhờ làm du lịch cộng đồng đúng hướng. Theo anh Sình Dỉ Gai, năm 2010, cả thôn có 62 hộ nghèo, 36 hộ cận nghèo. Đến nay, cả thôn chỉ còn 16 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo trên tổng số 119 hộ gia đình.
Ông Ma Doãn Khánh, Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Trưởng thôn Sình Dỉ Gai là một đảng viên tiên phong trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Gai đi đầu trong việc chuyển đổi làm kinh tế từ nông nghiệp sang du lịch. Là một người năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm, anh Sình Dỉ Gai luôn tâm huyết trong việc bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người Lô Lô, truyền dạy cho lớp trẻ hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình.
Theo UBND xã Lũng Cú, từ đầu năm đến nay, thôn Lô Lô Chải đã đón gần 8.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm, lưu trú. Đó là minh chứng rõ rệt nhất cho việc phát triển du lịch đúng hướng của anh Sình Dỉ Gai và bà con trong bản. Nhờ tận dụng tốt được tiềm năng lợi thế cảnh quan, cùng lối kiến trúc độc đáo, phương thức vừa làm du lịch, vừa gìn giữ những nét đặc trưng văn hóa, giờ đây, du lịch đã đem đến cho bà con thôn Lô Lô Chải một cuộc sống mới ấm no hơn, hạnh phúc hơn.
Những đóng góp trong hơn một thập kỷ qua của anh Sình Dỉ Gai đã được các cấp, các ngành công nhận qua nhiều phần thưởng như: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2021, 2022; Bằng khen của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022…