Người dân thu hoạch lúa nằm chót vót trên đỉnh núi. Ảnh: Đỗ Bình - TTXVN |
Theo ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Tuần Văn hóa du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lần đầu tiên được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động đặc sắc như: Công bố quyết định xếp hạng văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Quyá Hiéng của dân tộc Dao xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì; chương trình nghệ thuật dân gian và tái hiện lễ hội Quyá Hiéng; lễ cúng thần rừng của đồng bào dân tộc dao ở xã Pố Lồ; lễ cúng cơm mới; lễ hội Gầu Tào đặc sắc của dân tộc Mông ở xã Bản Péo...
Đến lễ hội, du khách có thể hòa mình trong các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống của dân tộc Nùng như múa ngựa, hát giao duyên, đánh yến, bắn nỏ, chơi đu quay, tận mắt xem lễ hội chọi dê - một con vật nuôi chính trong phát triển kinh tế ở huyện vùng cao núi đất Hoàng Su Phì.
Đặc biệt, du khách còn được tham quan thắng cảnh ruộng bậc thang được công nhận là di tích cấp quốc gia nằm trên địa bàn 6 xã gồm Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Đây là những xã có ruộng bậc thang tiêu biểu được đánh giá đẹp nhất Việt Nam với lịch sử hàng trăm năm do đồng bào các dân tộc La Chí, Dao, Nùng tạo nên bằng chính bàn tay lao động cần cù và sáng tạo của mình.
Đến với Tuần Văn hóa du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, du khách còn được hiểu thêm về phong tục tập quán, nét sinh hoạt riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số, thưởng thức nhiều món ăn nổi tiếng của Hoàng Su Phì như: Thắng cố, cá chép ruộng nướng, thịt bò khô, thịt lợn đen, thịt dê, các món ăn được chế biến từ đậu tương...