Nhiều năm qua, lực lượng chức năng thị xã Sa Pa đã đưa ra các giải pháp nhằm từng bước giảm thiểu và chấm dứt tình trạng này, tuy nhiên việc này vẫn diễn ra với nhiều hình thức và cách làm tinh vi hơn, gây bức xúc cho du khách, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thị xã du lịch.
Nhức nhối vấn nạn lợi dụng trẻ em
Giàng Thị Sô (xã Hoàng Liên, Sa Pa) năm nay 20 tuổi nhưng đã bán hàng rong ở thị xã Sa Pa từ hồi 4 tuổi. Khu vực tập trung đông du khách như sân Quần, Nhà thờ đá, đường Xuân Viên là nơi bán hàng quen thuộc của chị. Đi bán hàng cùng chị là 4-5 đứa nhỏ từ 6-10 tuổi cũng đều bỏ học. Nhóm người của chị Sô sẽ thường ngồi nghỉ ngơi tại các khu vực tập trung đông khách, khi thấy khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế liền lập tức di chuyển vây quanh mời chào mua hàng. Nếu khách chưa mua nhóm sẽ tự phân chia 2 đến 3 người kiên trì bám theo cho đến khi khách chịu mua mới thôi.
Việc bán hàng rong chèo kéo du khách vốn là vấn nạn phổ biến ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Thế nhưng, biến tướng của vấn nạn này thực sự tạo thành ấn tượng xấu ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của du lịch Sa Pa.
Bà Hoàng Thị Mừng, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Vừa mới đặt chân đến Sa Pa, hình ảnh ấn tượng đầu tiên tôi chứng kiến là một đứa trẻ 2 tuổi bị mẹ đẩy ra ngoài đường bán hàng. Đứa bé sợ hãi khóc lóc chạy lại, nhào vào lòng mẹ lại bị mẹ đẩy ra, chỉ vào nơi đám đông du khách đang tụ tập trước Nhà thờ đá chụp ảnh và ngắm cảnh".
Việc lợi dụng trẻ em bán hàng, kiếm tiền trong những năm qua tại Sa Pa được tiến hành ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng thị xã Sa Pa và sự chứng kiến của người qua đường, hầu hết các em đều làm việc này dưới sự chỉ dẫn của người lớn với phương thức như: sử dụng trẻ nhỏ; tạo dựng hoàn cảnh thương cảm; lợi dụng lòng thương của du khách để dễ bán hàng bất chấp thời tiết giá lạnh, kể cả ngày lẫn đêm.
Ông Đoàn Ngọc Ánh - Đội phó Đội kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa cho biết, cá biệt có hiện tượng các đối tượng đi thuê trẻ em trong độ tuổi bú sữa mẹ và bắt các chị lớn địu trên lưng đi đeo bám khách bán hàng. Mục đích của các “bà mẹ” không phải là bán hàng, chỉ là để các du khách thương hại và cho tiền. Được biết, một đứa trẻ có thể "thu nhập" từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/ngày.
Bà Hoàng Thị Mừng chia sẻ thêm: "Ở xa đến, tôi chỉ muốn tham quan, vãn cảnh nhưng lại thường thấy hình ảnh những em nhỏ ở đây lang thang đi theo chúng tôi thay vì giờ này đáng lẽ phải đang ở trường học. Vì thương các em, tôi từng mua hàng, cho tiền. Ngay sau đó, do thấy tôi có tiền rất nhiều em nhỏ cùng kéo đến làm ảnh hưởng đến quá trình tham quan của tôi, nên tôi thấy rất khó chịu. Tôi mong muốn tình trạng này sẽ chấm dứt để du khách được tham quan, nghỉ dưỡng thoải mái hơn".
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, tỷ lệ đối tượng là trẻ em bỏ học hoặc bị bố mẹ và người thân bắt bỏ học để đi theo mẹ đeo bám khách bán hàng rong có hiện tượng gia tăng đặc biệt là vào dịp hè và các kỳ nghỉ lễ. Ông Ánh cho biết, tổ giải quyết bán hàng rong đã tăng cường giải quyết nhưng chưa hiệu quả vì khi tổ công tác di chuyển đến vị trí khác, các đối tượng lại tiếp tục hoạt động chèo kéo khách.
Nhiều đối tượng sau khi bị tổ công tác bắt quả tang và thu gom về trụ sở nhưng cha mẹ không đến nhận. Một số em nhỏ này được đưa đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai, nhưng theo quy định vì các em không phải mồ côi cha mẹ nên Trung tâm chỉ giữ trong 3 tháng. Một số khác bỏ trốn trở về địa phương và hoạt động lại gây rất nhiều khó khăn cho giải quyết dứt điểm vấn nạn trên.
Như vậy, rõ ràng cần phải có biện pháp hữu hiệu và mạnh tay hơn nữa để giải quyết tận gốc tình trạng chèo kéo đeo bám khách du lịch nói chung và lợi dụng trẻ em kiếm tiền nói riêng, nếu không mọi cố gắng của các cơ quan chức năng địa phương chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".
Cần sự ủng hộ, phối hợp của du khách
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Lê Mạnh Hảo, du lịch phát triển nhưng người dân ít được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch do thiếu nguồn vốn, kiến thức và kỹ năng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc khó giải quyết dứt điểm vấn nạn bán hàng rong chèo kéo đu bám du khách.
Do đó, tạo công ăn việc làm và địa điểm kinh doanh cho các đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số đang là một trong những giải pháp được Sa Pa triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Chị Lý Mỳ Nẩy, người dân tộc Dao, thôn Bản Lếch, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa đã bán hàng rong được 20 năm. Năm 2017, chị được chính quyền thị xã Sa Pa mời vào bán hàng tại Khu trưng bày các sản phẩm Sa Pa với ưu đãi miễn thuế hoàn toàn cho người bán.
Khu trưng bày được đặt ở vị trí trung tâm đắc địa nhất thị xã, được xây dựng kiên cố, rộng rãi đảm bảo tính thẩm mỹ tạo cảnh quan cho thị xã nên đặc biệt hút khách du lịch. Chị cho biết: "Chúng tôi bán hàng ở đây không phải trả bất cứ khoản tiền nào, lại có chỗ che mưa nắng, không phải lang thang bên ngoài, thu nhập cũng ổn định hơn trước vì tính tin cậy của mặt hàng cao hơn hàng bán rong ngoài đường".
Thị xã Sa Pa hiện có 47 dự án về phát triển nông nghiệp ở các cơ sở mà người dân tham gia được cho vay không lãi suất với gói hỗ trợ 20 tỷ đồng để phát triển du lịch cộng đồng cũng như sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, số lượng người bán hàng rong, ăn xin trên địa bàn giảm hẳn. Năm 2017 có trên 551 đối tượng thì đến thời điểm 1/1/2020 chỉ còn 169 đối tượng.
Để giảm thiểu và tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng này, mới đây, thị xã Sa Pa đã tích cực thực hiện một số giải pháp, trong đó có giải pháp chuyển đổi mục đích sinh kế cho các bà mẹ. Theo đó, ngoài việc được đăng ký địa điểm bán hàng tại khu du lịch, họ được hỗ trợ việc làm tại các nhà hàng, khách sạn, mở homestay tại các bản làng của họ… thay vì đem con nhỏ đi bán hàng.
Công tác tuyên truyền cũng được đổi mới. Cụ thể, Đội kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa với 16 thành viên được thành lập từ tháng 9/2020 thay cho tổ giải quyết bán hàng rong hoạt động kém hiệu quả trước đó. Ông Đoàn Ngọc Ánh chia sẻ: Mỗi ngày 3 buổi, chia làm 2 ca/buổi, mỗi ca 1 giờ đồng hồ, Đội kiểm tra trật tự đô thị của phường sẽ đi xe lưu động đến từng con phố dùng loa để tuyên truyền người dân, du khách không mua hàng, cho tiền trẻ em bán hàng vì đó là hành động tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng trẻ em kiếm tiền. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường tuyên truyền dịp cuối tuần và khu vực tập trung đông khách du lịch. Ngoài ra, UBND phường còn tuyên truyền trong các buổi họp ở tổ dân phố, phối hợp với các cơ quan, các xã, phường lân cận để chung tay ngăn chặn tình trạng trên.
"Với tinh thần cầu thị, vì một hình ảnh Sa Pa đẹp trong mắt du khách, chúng tôi đặc biệt mong muốn được du khách đồng tình, ủng hộ không vô tình tiếp tay cho những đối tượng lợi dụng trẻ em, để chấm dứt tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách trên địa bàn thị xã.", Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa nhấn mạnh.