Với sự đa dạng của văn hóa vùng miền, địa hình địa lý, sự phong phú của các di sản văn hóa và bề dày lịch sử hàng ngàn năm, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để xây dựng các công viên chủ đề và tiến tới phát triển các thương hiệu này ra thị trường quốc tế.
Đây là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia Hội nghị triển lãm VIREC 2012 với chủ đề “Bất động sản và công nghiệp giải trí - hai lĩnh vực một đích đến” do Công ty G4B phối hợp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 12/6, tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết: Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nói chung và bất động sản du lịch, xây dựng công viên giải trí chủ đề nói riêng. Để phát huy lợi thế này, Tổng cục Du lịch đã xác định quy hoạch hệ thống hơn 40 khu du lịch tiềm năng trên cả nước để tập trung thu hút đầu tư, có những chính sách ưu đãi, nhất là trong công tác đầu tư hạ tầng…
Một góc Thiên Đường Bảo Sơn. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam |
Trong thời gian qua, một số khu vui chơi giải trí như: Công viên Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh), Thủy Cung ở Nha Trang, Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương, Thiên Đường Bảo Sơn ở Hà Nội … bước đầu đã thành công trong việc kết hợp những giá trị dân gian, cảnh quan và một số công nghệ giải trí hiện đại để phục vụ nhu cầu của du khách.
Tại hội nghị, các chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam có thể phát triển những trung tâm giải trí theo chủ đề gắn với lịch sử, giáo dục, khoa học, sinh thái, đại dương, nông nghiệp… và được kết hợp với giáo dục, giải trí và khám phá sẽ tạo ra loại hình giải trí mới mẻ đầy hứa hẹn phát triển mạnh ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Gary Goddard, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn GODDARD, ngành công nghiệp vui chơi giải trí đã và đang là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Sự phát triển của ngành này đã góp phần rất lớn trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao trình độ quản lý, tiếp cận nhiều công nghệ hiện đại…
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế trong quá trình phát triển, khai thác lợi thế của mình trong lĩnh vực du lịch. Theo ông Phạm Trung Lương, vấn đề cơ bản là các công viên giải trí được đầu tư trùng lặp từ đó dẫn đến thiếu cạnh tranh, phát triển không đồng bộ. Đại đa số các khu vui chơi giải trí chưa thể hiện được cái riêng của mình, phần lớn là sao chép về ý tưởng.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là đội ngũ lao động có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành cũng như yêu cầu của các chủ đầu tư.
Hoàng Anh Tuấn