Theo các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát tốt, vì vậy đã đến lúc cần đẩy mạnh truyền thông giới thiệu Việt Nam - điểm đến an toàn để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietral cho biết, để đón khách du lịch trở lại, các cơ quan quản lý nhà nước cần chú tâm thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp an toàn và chú ý truyền thông an toàn đến bạn bè các nước trên thế giới biết “Việt Nam là điểm đến an toàn”.
Theo bà Hoàng, hiện nay ngành du lịch một số nước trong khu vực đã gửi thông điệp đến các đối tác tiềm năng ở Việt Nam về sự an toàn của điểm đến như: SG Clean (Singapore Sạch), Amazing Thailand Safe and Health (SHA), Malaysia với “Clean and Safe”, Indonesia là slogan “I do Care”… Theo đó, tất cả các nhóm ngành ở các nước như: nhà hàng, khách sạn, điểm đến tham quan đều được dán bảng SG Clean để cam kết địa điểm của mình an toàn. Từ đó, khi thị trường mở cửa, những cơ sở, dịch vụ đã hoàn tất các quy chuẩn an toàn sẽ giúp khách hàng thấy an tâm khi đi du lịch ở nước bạn trong thời điểm này.
“Đa số, các nước trong khu vực đều đã chọn được các thông điệp và đưa lên các cơ quan truyền thông để quảng bá rộng rãi. Cụ thể, Thái Lan dự kiến tháng 10 sẽ chuẩn bị đón một lượng khách lớn. Khi đất nước của họ mở cửa đường bay thương mại thì họ đã sẵn sàng đón du khách", bà Hoàng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội vừa gửi văn bản đến Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch các tỉnh/thành để phối hợp, tạo kết nối và giới thiệu các sản phẩm chủ lực ở mỗi địa phương, qua đó xây dựng chính sách khuyến mãi theo từng giai đoạn. Dự kiến, trong tháng 3 chính sách khuyến mại kích cầu sẽ được tung ra thị trường để kích cầu du lịch. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ Hiệp hội đã kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ quy trình Tổ chức du lịch an toàn với một số nguyên tắc cơ bản áp dụng cho từng phân khúc như: các đơn vị lữ hành, khách du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ và vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong chuỗi du lịch an toàn.
"Cụ thể, chuỗi du lịch an toàn được vận dụng từ chủ trương phòng chống dịch theo tiêu chí 5K của Bộ Y tế và phù hợp với tình hình thực tế của ngành du lịch trong từng khâu. Theo đó, khi đi du lịch du khách phải khai báo y tế trực tuyến, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang trong suốt hành trình; khử khuẩn phương tiện vận chuyển trước khi phục vụ khách; có khu vực tiếp khách riêng cho từng đoàn ở mỗi cơ sở lưu trú; nhà hàng phải tuân thủ số lượng khách được phục vụ theo hướng dẫn của cơ quan y tế; điểm tham quan phải có nước rửa tay…", bà Nguyễn Thị Khánh cho biết thêm.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết bộ tiêu chí an toàn của Sở tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh ban hành có 10 tiêu chí an toàn. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh truyền thông về điểm đến an toàn với dịch bệnh COVDI-19 đến khách du lịch nội địa. Trong đó, quy trình tổ chức du lịch an toàn được triển khai ngay tại các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm đến… và được cụ thể hóa hơn cho phù hợp với hoạt động du lịch của từng đơn vị, doanh nghiệp.
"Ngoài ra, vấn đề hiện nay chúng ta phải làm là chủ động thế nào để sẵn sàng đón những cơ hội ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên toàn thế giới? Trước mắt, chúng ta cần chú ý khâu truyền thông ra quốc tế mạnh mẽ rằng “Việt Nam là điểm đến an toàn" với dịch bệnh để thu hút khách du lịch lẫn các nhà đầu tư", bà Hiếu chia sẻ thêm.