Các đoàn công tác sẽ làm việc với các cơ quan chức năng, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt công tác triển khai phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID -19) trong ngành du lịch tại các địa phương. Đoàn cũng lắng nghe tình hình kinh doanh, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch và kiến nghị, đề xuất giải pháp của địa phương. Từ đó, Tổng cục Du lịch tổng hợp đề xuất giải pháp, kiến nghị với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn; đề xuất các giải pháp phục hồi, thúc đẩy ngành du lịch sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trực tiếp làm việc với Tổng cục Du lịch và nhấn mạnh cần xây dựng bộ tiêu chí du lịch an toàn để đảm bảo an toàn cho du khách trong toàn bộ hành trình du lịch ở Việt Nam. Đây là yêu cầu cấp thiết phù hợp với tình hình thực tế, nhằm thúc đẩy nhanh sự phục hồi của du lịch trong thời gian tới.
Các tiêu chí an toàn tập trung vào phương tiện vận chuyển, cửa khẩu, nhà ga, sân bay; các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí, cơ sở mua sắm, cơ sở lưu trú du lịch... nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách khi sử dụng dịch vụ. Mặt khác, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh hơn nữa để khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện với mọi du khách…
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo Tổng cục Du lịch tiếp tục hoàn thiện ứng dụng trên điện thoại về các điểm đến an toàn; xây dựng kế hoạch triển khai sớm các hoạt động xúc tiến, quảng bá phục hồi thị trường, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm, đầu tư nhằm tăng quy mô chương trình xúc tiến…
Trước đó, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị “Ngành du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona” nhằm đưa ra những giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh và phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế, ngành du lịch đề xuất đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN. Bên cạnh đó, ngành tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ; tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ; duy trì, mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu; thu hút khách từ Nga và các nước Đông Âu, đẩy mạnh khai thác thị trường Australia, New Zealand.
Về công tác quảng bá, xúc tiến, ngành du lịch cho rằng cần nhanh chóng cơ cấu lại thị trường khách quốc tế đến Việt Nam; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia 2020 để tổ chức sớm các hoạt động xúc tiến thị trường, bù đắp lại lượng khách sụt giảm từ các thị trường. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như CNN, với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát khủng hoảng và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện đối với du khách.
Các doanh nghiệp cũng nhận định, dịch bệnh COVID -19 là thách thức với toàn ngành nhưng doanh nghiệp cũng sẵn sàng, chủ động chuyển hướng thị trường, xây dựng thị trường mới, nâng cấp các dịch vụ phục vụ khách, tăng cường liên kết... Nhiều ý kiến cũng nêu rõ: Để phục hồi thị trường du lịch, bên cạnh các gói hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp du lịch - hàng không - khách sạn thì cũng cần triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Bởi lẽ, du lịch nội địa chiếm vị trí quan trọng về lượng khách và tổng thu của ngành du lịch.
Tháng 1/2020, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện và gây ảnh hưởng, khách du lịch nội địa của Việt Nam đạt 7,3 triệu lượt người, trong đó, khách lưu trú đạt 3,9 triệu lượt. Trong năm 2019, du lịch Việt Nam đã phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp vào nguồn thu chung đạt hơn 720.000 tỷ đồng...