Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng đã đạt được thời gian qua. Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với những món quà vô giá được thiên nhiên ưu ái ban tặng, chính không gian văn hóa đa sắc màu của đồng bào được trao truyền từ nhiều đời nay đã làm nên sức hút riêng có của du lịch Sa Pa suốt 120 năm qua. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển văn hóa; bởi văn hóa trường tồn khi trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng.
Phó Thủ tướng lưu ý, Sa Pa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế với hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, điểm giao lưu văn hóa khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch Sa Pa cũng tạo ra cũng áp lực lớn lên các tài nguyên tự nhiên mà nếu không giải quyết hài hòa sẽ làm cạn kiệt, mai một, thậm chí mất đi những giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc đã làm nên thương hiệu của du lịch Sa Pa.
Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Lào Cai trong quá trình phát triển du lịch Sa Pa cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới một Sa Pa phát triển bền vững, hài hòa và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Địa phương cần thực hiện nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn; coi giá trị, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, bản sắc kiến trúc là cốt lõi; cộng đồng các dân tộc Sa Pa vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực và là người thụ hưởng thành quả từ phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Lào Cai cần chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Mỗi người dân Sa Pa sẽ trở thành một sứ giả về văn hóa; mỗi du khách khi đến với Sa Pa sẽ đều trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau. "Tôi mong muốn chúng ta hãy hành động ngay, bắt đầu bằng việc rất đơn giản là khi chương trình này kết thúc, hãy cùng nhau thu dọn sạch rác trước khi ra về", Phó Thủ tướng kêu gọi.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là ngày hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng, đánh dấu bước phát triển lớn mạnh và mở ra thời kỳ mới trên con đường phát triển đi lên của du lịch Lào Cai; đồng thời là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai báo công dâng lên Bác Hồ nhân kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023).
Cách đây 120 năm, vào mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cho cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là “Cao trạm Sa Pa”. Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, mảnh đất có 5 mùa (mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông và mùa “con trai hát gọi con gái”) trong năm xinh đẹp, mộng mơ, “Thành phố trong sương” nay đã trở thành Khu du lịch Quốc gia. Du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một thị trấn nhỏ vùng cao đã được khẳng định, định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới; luôn nằm trong Top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và Top 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới; được bình chọn Top 10 điểm đến xanh nhất trái đất; một trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới; một trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất thế giới; ruộng bậc thang Sa Pa là một trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới; một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Ông Trịnh Xuân Trường khẳng định, để có được một Sa Pa phát triển như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng luôn xác định Sa Pa không chỉ là trọng điểm du lịch của tỉnh mà còn là Khu du lịch Quốc gia ngang tầm quốc tế; luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lấy cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa làm động lực; tính thích ứng và sự năng động làm đột phá để vươn lên và hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Tại buổi lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, người dân và du khách được thưởng thức "đại tiệc" âm nhạc ngập tràn sắc màu văn hóa dân tộc với chủ đề “Sa Pa diệu kỳ”. Chương trình nghệ thuật kéo dài 65 phút bao gồm 3 chương là “Sa Pa kỳ vỹ linh thiêng”, “Diệu kỳ miền đất sương mây” và “Sa Pa - Kết nối khát vọng xanh” với sự tham gia của 500 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. Màn trình diễn đã để lại dấu ấn đặc biệt với nhân dân và du khách nhờ sự dàn dựng công phu, hoành tráng, hòa trộn các hình thức diễn xướng, gồm các loại hình nghệ thuật như: ca, múa, nhạc, diễn xướng dân gian, hoạt cảnh, diễn kịch hình thể, hiệu ứng cổ động...trên sân khấu đa không gian, đa chiều, đa tầng, thể hiện đan xen, gắn kết chặt chẽ cùng lời bình, video.
Xuyên suốt chương trình, du khách được tìm hiểu về một Sa Pa ẩn chứa những điều diệu kỳ: về thiên nhiên, về bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc trên chặng đường 120 năm với nhiều dấu ấn; tinh thần đoàn kết, niềm tin tưởng của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai với sự nghiệp đổi mới đi lên của Đảng, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đã và đang xây dựng Sa Pa phát triển ngang tầm quốc tế.