Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Từ trước đến nay, Tổng cục Du lịch và các Sở du lịch địa phương mới chỉ cấp thẻ HDV và xử lý khi có sai phạm. Trong khi chất lượng HDV như thế nào sau khi cấp thẻ gần như bỏ ngỏ. Chính vì vậy, Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định Hội ngành nghề tham gia đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá trình độ HDV.
Hiệp Hội Du lịch Việt Nam được Liên minh châu Âu hỗ trợ xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại, xếp hạng và xây dựng hệ thống nâng cao năng lực đội ngũ HDV.
Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội HDV Việt Nam cho biết: Hội đã tổ chức 8 đợt xếp hạng HDV tại 6 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh cho 401 HDV.
“Đây là những tỉnh trọng điểm về du lịch. Việc xếp hạng góp phần tạo động lực để HDV học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của khách; đồng thời góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty lữ hành trong việc tìm kiếm HDV và trả thù lao. Sắp tới Hội sẽ thành lập sàn giao dịch việc làm cho HDV để HDV tự do và công ty lữ hành có thể thuận lợi giao dịch”, ông Bùi Văn Dũng cho biết.
Theo đại diện các đơn vị lữ hành, do yếu tố mùa vụ nên các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu sử dụng HDV tự do và trên cơ sở quen biết. Khi có hệ thống phân loại, xếp hạng HDV, các doanh nghiệp lữ hành có thể tra cứu, tham khảo để ký kết hợp đồng tour, thanh toán công tác phí.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, toàn quốc có trên 20.000 HDV, trong đó 95% là HDV tự do. Hệ thống quản lý HDV do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng cũng giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đến các Sở du lịch, doanh nghiệp lữ hành có thể tra cứu về hội viên phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đồng thời đáp ứng quy định của Luật Du lịch sửa đổi. Từ thành công của việc triển khai xếp hạng HDV, Hội HDV sẽ mở rộng mô hình quản lý tới các cấp hội, nâng cao chất lượng HDV, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam.