Sau 1 năm triển khai các nội dung liên kết phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung và Chương trình kế hoạch hành động hiệu quả, Quỹ nghiên cứu phát triển miền Trung đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho quá trình liên kết phát triển Vùng. Tại cuộc họp sơ kết 1 năm liên kết phát triển Vùng được tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng 5/2012, các thành viên đã nhất trí xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư du lịch cho các tỉnh vùng duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hoà).
Xuất phát từ thực tiễn, bên cạnh những thành tựu của ngành du lịch các địa phương trong Vùng đã đạt được, du lịch các địa phương trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng như: Tích luỹ đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao, sản phẩm du lịch chưa phong phú; vốn đầu tư phần lớn mới chỉ tập trung vào dịch vụ lưu trú, còn các loại dịch vụ khác như lữ hành, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí chưa được đầu tư đáng kể. Các sản phẩm du lịch chủ lực của các địa phương còn trùng lắp, đơn điệu, thiếu các dịch vụ đi kèm, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng quốc tế...
Vịnh Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những địa điểm du lịch thu hút khách. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN. |
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra là phát triển du lịch Vùng nhanh và bền vững, đưa du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, đồng thời đạt được các chỉ tiêu số lượng khách quốc tế, trong nước đến năm 2015 tăng 1,4 - 1,5 lần so với năm 2010, thu nhập từ du lịch đến năm 2015 tăng khoảng 2 lần so với năm 2010 cho du lịch của Vùng..., hoạt động xúc tiến tiến đầu tư du lịch phải tập trung xây dựng quảng bá hình ảnh; triển khai dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án... Mỗi địa phương phải chủ động xây dựng hình ảnh đặc thù phù hợp với từng đối tượng, từng thị trường cụ thể tập trung khả năng cạnh tranh của địa phương.
Đồng thời, trong chiến lược, quy hoạch và các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch của mỗi tỉnh cần tham khảo và lồng ghép với các tỉnh khác trong Vùng; phát huy hợp lý kinh nghiệm của nhau những đồng thời hạn chế sự ganh đua, trùng lắp, sao chép giữa các tỉnh. Quy hoạch phát triển du lịch của mỗi tỉnh cần phải được tham vấn ý kiến các tỉnh khác trong Vùng trong mối quan hệ tương quan với phát triển du lịch của Vùng. Có những nội dung, các địa phương phải phối hợp nghiên cứu, đề xuất, triển khai như việc kết nối các đường bay quốc tế và trong nước.
Để Chương trình xúc tiến đầu tư du lịch cho các tỉnh vùng duyên hải sớm thành công, Vùng cần tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch của Vùng và của từng tỉnh, thành trong Vùng, cũng như giới trhiệu rộng rãi về điều kiện về cơ sở hạ tầng, tình hình thị trường, giới thiệu một điểm đến lâu dài, ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cần tiếp tục triển khai tốt, nhân rộng đề án cơ chế "Một cửa liên thông" về cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư nước ngoài, đáp ứng các yêu cầu nhanh, công khai, minh bạch. UBND các tỉnh, thành cần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng nhằm giúp các dự án triển khai nhanh chóng, góp phần giải ngân vốn đã đăng ký.
Văn Sơn