Theo Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển dẫn tới nhiễm khuẩn hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận và có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.
Nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm, nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để ở điều kiện nhiệt độ thông thường quá lâu; nắng nóng khiến nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bày bán không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc thực phẩm.
Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh lưu ý, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là điều hết sức cần thiết đối với các cơ sở chế biến và kinh doanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có thói quen sử dụng thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe trong mùa nắng nóng.
Do đó, để đảm bảo sức khỏe người dân và phòng, chống ngộ độc thực phẩm xảy ra, Sở An toàn thực phẩm khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm… Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm…
Người dân cần chú ý thực hiện tốt 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn như chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch; nấu chín kỹ thức ăn và ăn ngay sau khi nấu.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân cần thực hiện các biện pháp như: ăn chín, uống sôi; hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng. Tách biệt đồ sống và chín, cần có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống; nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.
Khi không để thực phẩm trong tủ lạnh, cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi muỗi. Đun lại thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn. Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường. Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch… Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1 - 2 ngày.
“Trẻ bị ngộ độc thực phẩm là khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm vi trùng, virus, nấm, ký sinh trùng hoặc tồn dư hóa chất. Các vi trùng gây bệnh trực tiếp hoặc sinh ra các loại độc tố gây hại cơ thể”, bác sĩ Thu Thuỷ thông tin.
Theo đó, bác sĩ Thu Thuỷ khuyến cáo, nếu trẻ chỉ nôn ói, tiêu lỏng 1 - 2 lần, không có dấu hiệu khác, bé vẫn tiếp tục sinh hoạt, ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể tự theo dõi, chia nhỏ bữa ăn, uống thêm nước, không tự ý dùng các chất gây nôn.
Nếu trẻ nôn ói nhiều, không ăn uống được, phân có máu hoặc có các dấu hiệu khác như sốt cao khó hạ, co giật, li bì, mệt thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.