Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc xử lý tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại chung cư tại địa bàn sẽ căn cứ theo Quyết định 29/2020/QĐ-UBND.
Tại Điều 10 của quyết định này quy định quản lý vận hành nhà chung cư: Các quy định về nội dung hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư; đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; điều kiện về chức năng, năng lực của đơn vị quản lý vận hành và việc thông báo, đăng tải công khai danh sách đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư; hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 105 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 10, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 46 của Thông tư số 02/2016/TT- BXD; Khoản 8, Khoản 9, Điều 3 của Thông tư số 28/2016/TT-BXD; Khoản 5, 6, Điều 2 của Thông tư số 06/2019/TT-BXD.
Các quy định về giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 106 của Luật Nhà ở năm 2014; Điều 30 và Điều 31 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Còn tại Điều 17 quy định về trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã. Theo đó, chính quyền quận huyện, thị xã chịu trách nhiệm đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tại địa phương; Chỉ đạo giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và trong phạm vi quản lý.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các nhà chung cư để xác định những vấn đề còn tồn tại liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng nhà chung cư (tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao - tiếp nhận, quản lý quỹ bảo trì và các hoạt động khác), từ đó giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp (giải quyết theo thẩm quyền, hướng dẫn liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết), không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng.
Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật.
Cung cấp danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, gửi Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường để tổ chức công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, căn cứ theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và cư dân để xác định các khoản phí phải đóng để duy trì vận hành nhà chung cư và việc xử lý sẽ thuộc chính quyền sở tại và Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường.
Về việc chậm bàn giao nhà cũng phải dựa trên hợp đồng; nếu cư dân chậm đóng tiền mua nhà dẫn đến chậm bàn giao sẽ bị phạt theo các điều khoản hợp đồng. Ngược lại, khi chủ đầu tư chậm bàn giao nhà cũng sẽ bị phạt khi gây thiệt hại kinh tế cho cư dân. Nếu trong hợp đồng không quy định cụ thể mứ phạt thì có thể căn cứ thiệt hại theo giá trị thuê nhà trên thị trường và các thiệt hại khác mà người mua nhà chứng minh được.