Theo cơ quan công an, hiện nay hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp. Việc vay tiền qua app có ưu điểm là rất thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu vay tiền với số lượng nhỏ trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất cao và xuất hiện các hội nhóm trên mạng xã hội dạy nhau cách chiếm đoạt tiền vay. Cả hai hành vi cho vay nặng lãi và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hệ thống pháp luật có đầy đủ quy định từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự đối với hành vi bùng nợ. Việc lập hội nhóm có thể bị xử phạt theo Điều 101, Nghị định 15/2020, những người cố tình đưa thông tin cung cấp dịch vụ sai lệch có thể bị xử phạt hành chính. Nếu có hành vi cố tình vi phạm, có thể xem xét vào tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Phân tích rõ ràng hơn về các mức và khung hình phạt hành vi bùng nợ, quỵt nợ, trao đổi với phóng viên Báo Tin Tức, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Khi người vay không hoàn trả được số tiền đã vay với mức độ nghiêm trọng thì các ngân hàng và công ty tài chính hoàn toàn có thể khởi kiện người vay ra Tòa án".
"Trong trường hợp xác định có dấu hiệu của hành vi phạm tội thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện các công việc điều tra, áp dụng các hình thức xử lý theo luật hiện hành. Theo đó có thể xử phạt bao gồm xử phạt hành chính, tịch thu tài sản hoặc khởi tố. Các đối tượng thực hiện hành vi bùng nợ, quỵt nợ có thể xử phạt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo đó mức phạt về tội danh này được quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất từ 12 - 20 năm tù. Ngoài ra, các đối tượng phạm tội cũng có thể bị phạt tiền với số tiền từ 10 triệu đồng cho đến không quá 100 triệu đồng. Cấm hành nghề hoặc làm các công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 1 - 5 năm theo mức độ phạm tội, tịch thu 1 phần hoặc toàn bộ tài sản" - Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh
Ngoài ra, các đối tượng cố tình vay nợ với ý định chiếm đoạt khoản vay, ngay từ đầu, trước khi thực hiện vay nợ sử dụng các thông tin giả mạo, gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt thì có thể bị xử lý vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mức phạt được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự với mức phạt cao nhất là phạt tù chung thân. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; Cấm hành nghề các công việc nhất định từ 1 - 5 năm, tịch thu 1 phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đáng chú ý, những đối tượng thực hiện hành vi hướng dẫn, cung cấp các điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi chiếm đoạt nêu trên khi bị phát hiện có thể bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hiện liên tục xuất hiện rất nhiều hội nhóm như: “bùng nợ”; “rủ nhau bùng nợ”; “dạy cách bùng nợ” … với mục đích chia sẻ cách vay tiền của các ứng dụng, các công ty tài chính tiêu dùng, hay thậm chí là của ngân hàng.
Theo đó, các tài khoản mạng xã hội đứng tên, thực hiện hướng dẫn trong các group này thường là ảo. Chỉ cần nhấp chuột nhắn tin, các đối tượng sẽ chăm sóc “khách hàng” của mình chu đáo, với lời hứa hẹn chỉ cần 100.000 đồng là đã có thể xóa thông tin các cuộc gọi điện trong điện thoại.
Đặc biệt, không chỉ hoạt động trong các hội nhóm mà các đối tượng thực hiện hướng dẫn thực hiện bùng nợ, quỵt nợ còn sử dụng hình thức “chạy quảng cáo” để những thông tin này được lan truyền rộng rãi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công ty tài chính tiêu dùng lẫn ngân hàng. Đồng thời tiếp tay cho tín dụng đen quay trở lại.