Làm gì để phòng các bệnh về da trong mùa nắng nóng?

Các bác sĩ cho biết, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến các bệnh về da tăng cao, nguyên nhân chính là do tác động của tia UV, cùng với đó là việc sử dụng nhiều mỹ phẩm khiến da bị bí bách, nổi mụn, kích ứng.

Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị cho gần 100 trường hợp viêm nhiễm da liên quan đến thời tiết nắng nóng như: Viêm da nhiễm trùng, nhọt, chốc lây, nấm da, lang ben, viêm mô tế bào… Ngoài ra, còn có các bệnh khác xuất hiện trong mùa nắng nóng như nám da, tàn nhang.

Chú thích ảnh
Để phòng bỏng da, người dân cần hạn chế ra ngoài trời nắng để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. 

Lý giải nguyên nhân khiến cho nhiều người dễ mắc các bệnh về da khi thời tiết nắng nóng, Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, tia UV trong ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh về da, bao gồm cháy nắng, lão hóa da, nám da, ung thư da. Tia UV có thể phá hủy cấu trúc collagen và elastin trong da, khiến da trở nên nhăn nheo, chảy xệ và kém đàn hồi. Tia UV cũng có thể kích thích sản sinh melanin, dẫn đến tình trạng nám da, tàn nhang.

Chưa kể, mồ hôi tiết ra nhiều trong mùa nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây ra các bệnh da liễu như mụn nhọt, viêm da, hăm da. Mồ hôi cũng có thể làm da mất đi độ ẩm, khiến da trở nên khô rát, ngứa ngáy.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều kem chống nắng, kem dưỡng da, mỹ phẩm trong mùa nóng có thể khiến da bị bí bách, dễ nổi mụn và kích ứng.

Để phòng tránh các bệnh về da trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài trời nắng để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời, đặc biệt là vào giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi ra ngoài, cần che chắn da cẩn thận bằng quần áo, mũ rộng vành, kính râm; sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và thoa lại sau mỗi 2 giờ.

Giữ da luôn sạch sẽ và khô ráo, tắm rửa thường xuyên bằng nước mát, không nên tắm nước quá nóng; sử dụng các sản phẩm sữa tắm dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa mạnh; lau khô da sau khi tắm và thoa kem dưỡng ẩm để giữ da mềm mại.

Uống đủ nước mỗi ngày giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố và giữ cho da luôn đủ ẩm. Nên uống nước lọc hoặc nước trái cây, hạn chế uống nước ngọt có ga. Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, kiwi, ớt chuông. Hạn chế ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi và tái tạo da. Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.

Theo dự báo, trong những ngày tới tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiếp tục nắng nóng gay gắt, có thời điểm lượng tia UV cao nhất ở mức 10, được cảnh bảo là mức rất nguy hại.

Đan Phương/Báo Tin tức
Cảnh báo nguy cơ trẻ mắc các bệnh đường tiêu hoá gia tăng mùa nắng nóng
Cảnh báo nguy cơ trẻ mắc các bệnh đường tiêu hoá gia tăng mùa nắng nóng

Hiện thời tiết các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục nắng gắt với nhiệt độ 37 - độ. Các bác sĩ cho biết, đây là thời điểm dễ bùng phát một số bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN