Qua tìm hiểu của phóng viên, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD của Bộ Xây dựng liên quan đến nhà chung cư nêu rõ: Tất cả các lỗ mở đều phải cách sàn ít nhất 1,4m (độ cao) để đề phòng trẻ em có thể chui qua hoặc ngăn ngừa những người có hành vi không bình thường hạn chế việc rơi, ngã.
Trước đó, Quy chuẩn 05:2008/BXD quy định cụ thể đối với nhà cao tầng thì từ tầng 9 trở lên phải đảm bảo chiều cao lan can ít nhất là 1,4m và cũng chỉ rõ cấu tạo của lan can không được dễ trèo. Tức là không được làm thêm thanh ngang, thanh chéo để trẻ em có thể đặt chân lên. Còn khoảng cách giữa các thanh lan can không được đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Tất cả các thông số này đều được tính toán hướng đến việc đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng. Cùng với các quy định rất cụ thể này, lan can ban công còn phải đảm bảo độ cứng để chịu được lực xô, không gãy, đổ...
Tại các nhà chung cư hiện nay, người dân vẫn thường tự lắp đặt thêm lưới an toàn ở ban công, lô gia, cửa sổ… của căn hộ để đảm bảo an toàn, tùy theo nhu cầu, thị hiếu, song chưa có quy định pháp luật cụ thể, bắt buộc nào yêu cầu việc lắp đặt thêm lưới an toàn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm. Tuy nhiên, khi lắp đặt lưới an toàn tại các lỗ mở nhà chung cư, cần cân nhắc đến vấn đề thuận tiện cho hoạt động về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Theo các QCVN hiện hành thì việc lắp lưới bảo vệ chung cư ngoài đảm bảo an toàn, phải đảm bảo đồng bộ với các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, QCVN không cấm việc lắp lưới bảo vệ, nhưng người dân cần phải cân nhắc khoảng không gian an toàn khi có sự cố cháy nổ. Đây là đường tiếp cận trong công tác cứu hộ cứu nạn, chữa cháy. Do vậy, nếu làm lưới an toàn dạng cứng, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn, vì khi đó, lưới an toàn sẽ trở thành chướng ngại vật gây mất an toàn.
Thêm vào đó, trong quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, các cơ quan nghiên cứu đều có những căn cứ từ thực tiễn, ý kiến chuyên gia và tham khảo các quy chuẩn của nước ngoài. Quy chuẩn là bắt buộc áp dụng vì vậy nếu chúng ta đưa việc làm lưới tại các ban công, lô gia vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì lại không phù hợp. Việc lắp lưới an toàn sẽ tùy nhu cầu của từng gia đình, chất liệu lưới như thế nào cũng phải tính toán để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn.
Thực tế, nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thời gian vừa qua tại các chung cư trong cả nước không phải do thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn, mà chủ yếu do bất cẩn. Nhất là tại các khu vực ban công chung cư hiện nay thường được người dân tận dụng làm nơi để đồ, kê bàn, ghế, trồng hoa, cây cảnh... tạo điều kiện để trẻ em có trèo lên, dễ dàng leo qua lan can...
Vì vậy, để đảm bảo an toàn tại các chung cư, nhà cao tầng, theo ông Vũ Ngọc Anh, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, đặc biệt bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật để các chủ đầu tư khi xây dựng chung cư sẽ có sách hướng dẫn sử dụng căn hộ. Trong đó, nêu cụ thể công năng, khuyến cáo khi sử dụng, các hạng mục trong nhà chung cư như ban công, lô gia, cửa sổ…
Đồng thời, có thể bổ sung quy định bắt buộc tài liệu hướng dẫn sử dụng khi bàn giao nhà. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe người dân vẫn là ý thức tự bảo vệ, cảnh giác của mỗi gia đình và từng cá nhân.