Luật sư nói gì vụ đánh người khiến nạn nhân bị hôn mê sâu ở Bình Dương?

Lê Văn Hiền, 36 tuổi (quê tỉnh An Giang) đánh người sau vụ va quệt giao thông khiến nạn nhân nguy kịch, đã bị Công an Bình Dương bắt khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Người bị đánh sau vụ va chạm giao thông ở Bình Dương bị giập não, tiên lượng khó qua khỏi. Ảnh cắt từ clip.

Sau khi bị đánh, anh N.T.B. (40 tuổi, tỉnh Bình Dương) được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, nạn nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để điều trị. Theo thông tin từ gia đình, nạn nhân đã bị chết não.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 3/1, luật sư Hoàng Tùng – Văn phòng luật sư Trung Hòa – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Vụ việc hành hung anh B. dẫn đến dập não và nguy cơ tử vong, là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)”.

Theo luật sư, hành vi của Hiền không chỉ đơn thuần là gây thương tích, mà còn thể hiện ý chí trực tiếp tước đoạt tính mạng của anh B, khi liên tục đánh mạnh vào đầu anh B – bộ phận trọng yếu của cơ thể.

Tại khoản 1 Điều 123, hành vi giết người có thể cấu thành ngay cả khi nạn nhân chưa tử vong, miễn là hành vi có khả năng dẫn đến hậu quả giết người. “Việc anh B bị dập não và chết não là dấu hiệu rõ ràng về tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi này”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh. 

Ngoài ra, đối tượng còn phải đối diện với các tình tiết tăng nặng như có tính chất côn đồ (đánh đập nạn nhân liên tục, tấn công vào vùng nguy hiểm với thái độ hung hãn); dùng hung khí nguy hiểm (mũ bảo hiểm được coi là hung khí nguy hiểm trong trường hợp này, vì có thể gây tổn thương nặng nề khi tấn công vào đầu).

Dựa trên các yếu tố trên, nhiều luật sư cho rằng, hành vi của Hiền có thể bị truy tố về Tội “Giết người”, với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nếu trong quá trình điều tra, anh B. tử vong, khung hình phạt cao nhất có thể được áp dụng với Hiền. 

Trong trường hợp anh B may mắn sống sót, nhưng có thương tật nặng, thì Hiền có thể bị truy cứu thêm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, theo Điều 134. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân được xác định từ 31% trở lên, hoặc hành vi của Hiền được xác định là dẫn đến hậu quả chết não, Hiền có thể bị truy cứu trách nhiệm ở khung hình phạt cao nhất là từ 10 đến 20 năm tù, hoặc tù chung thân (khoản 4, Điều 134). 

Bên cạnh trách nhiệm hình sự, Hiền còn phải bồi thường thiệt hại dân sự cho gia đình anh B. theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015, tùy thuộc vào mức độ của anh B.

Việc va chạm giao thông xảy ra cãi nhau, đánh nhau, thậm chí đâm chém nhau, không phải là mới. Do vậy theo luật sư Hoàng Tùng, khi xảy ra va chạm giao thông, phản ứng đầu tiên của người tham gia giao thông nên là giữ bình tĩnh, tránh đôi co và không để cảm xúc tiêu cực chi phối hành động. Hành vi bạo lực không chỉ gây tổn thương cho người khác, mà còn có thể hủy hoại cuộc đời của chính mình.  

“Mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết thông qua đối thoại hoặc sự can thiệp của cơ quan chức năng. Việc dùng bạo lực không bao giờ là giải pháp đúng đắn, sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề.  Giao thông là môi trường chung, mỗi người tham gia cần có trách nhiệm và thái độ đúng mực. Việc nhường nhịn, thông cảm và xử lý tình huống bằng sự tử tế sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các xung đột không đáng có”, đại diện Văn phòng luật sư Trung Hòa nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, người tham gia giao thông cần giữ bình tĩnh, ngay cả khi xảy ra va chạm, kiểm soát cảm xúc và tránh to tiếng. Nếu không thể thống nhất ý kiến, người dân có thể gọi điện thoại lực lượng cảnh sát giao thông đến giải quyết.

Trường hợp người dân cảm thấy bất công hoặc bị đổ lỗi oan, cần thu thập chứng cứ bằng cách quay video hoặc chụp ảnh hiện trường nhưng vẫn giữ thái độ hòa nhã.  Nếu có người bị thương, ưu tiên đưa nạn nhân đi cấp cứu trước khi giải quyết các vấn đề khác.   

Tối 30/12/2024, anh N.T.B đi xe máy trên đường NE8, đoạn giao nhau với đường Mỹ Phước Tân Vạn thuộc địa phận P.Thới Hòa (TP.Bến Cát, Bình Dương), thì xảy ra va chạm với xe máy do Hiền điều khiển.

Sau khi va chạm, Hiền đã lao vào đánh, quật ngã anh B. xuống đường, rồi dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu anh B. Chưa dừng lại ở đó, Hiền còn dùng tay chân đánh nhiều lần vào đầu anh B. trước khi rời khỏi hiện trường.

Minh Phương/Báo Tin tức
Cần xử lý nghiêm việc hành hung người khác khi va chạm giao thông trên đường
Cần xử lý nghiêm việc hành hung người khác khi va chạm giao thông trên đường

Vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ xô xát, ẩu đả, hành hung khi xảy ra va chạm giao thông trên đường, dẫn đến thương tích, không ít trường hợp đã bị khởi tố. Bạo lực khi tham gia giao thông không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là biểu hiện của sự thiếu văn hóa trong ứng xử và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN