Doanh nghiệp (DN) cắt giảm lao động khiến người lao động (NLĐ) mất việc làm và không còn thuộc diện được tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, do hiểu được tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, nhiều NLĐ đã tiếp tục ở lại “lưới an sinh” bằng cách đóng BHXH tự nguyện. Mỗi tháng, họ chắt chiu một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH, đổi lại được yên tâm có tuổi già thảnh thơi nhờ lĩnh lương hưu và được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe…
Khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân như: Đóng định kỳ (hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là: 231.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ nghèo); 247.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ cận nghèo); 297.000 đồng/tháng (với đối tượng khác). Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tự do được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHXH, hiện nay, nhiều tỉnh còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện tại các địa phương này tiếp tục thấp hơn.
Không chỉ được thụ hưởng nhiều quyền lợi, chế độ, thủ tục đăng ký đóng, nộp BHXH tự nguyện cũng rất thuận tiện, nhanh chóng tạo thuận lợi cho người tham gia. Các hình thức đóng như sau:
Hình thức trực tiếp
Người tham gia nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH tự nguyện theo quy định tại Tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc tạm trú.
Đặc biệt, sau khi nộp tiền đóng BHXH tự nguyện cho nhân viên thu của Tổ chức dịch vụ thu, người dân có thể thực hiện tra cứu, kiểm soát thông tin đóng BHXH tự nguyện của mình. Nhờ đó, thông tin được công khai, minh bạch và quyền lợi của người tham gia luôn được đảm bảo theo quy định.
Cụ thể, người tham gia có thể thực hiện tra cứu thông tin chi tiết việc đóng BHXH tự nguyện tại Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn với các bước:
Bước 1: Người tham gia truy cập vào Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn.
Bước 2: Chọn chức năng Tra cứu trực tuyến.
Bước 3: Chọn chức năng Tra cứu thông tin ghi nhận đóng BHXH, BHYT.
Bước 4: Nhập thông tin để tra cứu bao gồm: Mã xác nhận (do Tổ chức dịch vụ thu cung cấp) và Mã số BHXH/Số CCCD.
Bước 5: BHXHVN cung cấp thông tin cho người tham gia theo Mã xác nhận và Mã số BHXH/Số CCCD.
Thông tin cung cấp bao gồm: Thông tin của người tham gia: Mã số BHXH, Họ và tên, Ngày sinh, Giới tính, Số CCCD, Loại hình tham gia (BHXH tự nguyện), Số tiền đóng, Số tháng đóng, Ngày ghi nhận; Thông tin của tổ chức dịch vụ thu: Mã tổ chức dịch vụ thu, Tên tổ chức dịch vụ thu, Mã nhân viên thu, Tên nhân viên thu, Mã cơ quan BHXH ký hợp đồng, Tên cơ quan BHXH ký hợp đồng.
Hình thức trực tuyến
Người tham gia không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH hay Tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT mà có thể đóng, nộp BHXH tự nguyện online qua Cổng Dịch vụ công (DVC) BHXH Việt Nam hoặc Cổng DVC quốc gia với quy trình được tự động hóa mức độ cao; hoặc trên ứng dụng trực tuyến của một số ngân hàng đảm bảo giao dịch nhanh gọn, thuận tiện. Cụ thể:
Qua Cổng DVC BHXH Việt Nam hoặc Cổng DVC Quốc gia.
Người tham gia có thể thực hiện các thủ tục trên Cổng DVC Quốc gia (tại địa chỉ:https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html) hoặc Cổng DVC BHXH Việt Nam (tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn). Các trường hợp áp dụng, gồm: Đăng ký tham gia BHXH tự nguyện lần đầu; Đóng tiếp BHXH tự nguyện.
Qua ứng dụng trực tuyến của ngân hàng
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã ký thỏa thuận thanh toán điện tử song phương với các hệ thống ngân hàng, như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank)… tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, người tham gia có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện ngay trên ứng dụng trực tuyến của các ngân hàng này với thao tác đơn giản, dễ thực hiện. Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Đăng nhập ứng dụng của ngân hàng, tìm chọn mục Bảo hiểm xã hội (tùy giao diện của các ứng dụng mà mục này có thể trong phần Thanh toán hoặc Ngân sách Nhà nước).
Bước 2: Lựa chọn loại hình dịch vụ muốn thực hiện là đóng tiếp BHXH tự nguyện; chọn đối tượng nộp cho khách hàng cá nhân hoặc tổ chức; chọn tỉnh, thành phố nơi đăng ký đóng BHXH tự nguyện; nhập số sổ BHXH hoặc mã đối tượng BHXH nếu đối tượng nộp là tổ chức; kiểm tra và xác nhận thông tin thanh toán.
Bước 3: Nhập mã OTP do Ngân hàng gửi để hoàn tất giao dịch.
Với lợi thế giao dịch nhanh chóng, thuận tiện và có thể thực hiện ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào trên các thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh…) có kết nối mạng internet, việc đăng ký đóng, nộp BHXH tự nguyện online qua Cổng DVC và các ứng dụng trực tuyến của một số ngân hàng đã và đang được người dân hưởng ứng, đánh giá cao. Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 8/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; đến ngày 18/8, đã có 3.141 trường hợp đóng tiếp BHXH tự nguyện qua Cổng DVC Quốc gia.