Về vấn đề này, theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, với Made in Vietnam, chúng ta không quan tâm đó là công nghệ nhập khẩu, lắp ráp hay sản xuất, chỉ quan tâm làm sao các giá trị được tạo ra ở Việt Nam càng lớn càng tốt. Nhưng đối với Make in Vietnam, chúng ta muốn các doanh nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ, từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, chủ động sản xuất tại Việt Nam".
“Made in Vietnam đã quen thuộc trong xã hội chúng ta, gắn liền với quy tắc xuất xứ, với quy định xác nhận tỷ lệ nội địa hóa, áp dụng trong vấn đề xuất nhập khẩu. Trong khi Make in Vietnam là một chiến lược, truyền tải sự chuyển dịch về hướng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Khi thực thi chiến lược Make in Vietnam, Việt Nam sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn và nhờ vậy, chúng ta sẽ phát huy được trí tuệ Việt Nam, giải quyết được các bài toán tại Việt Nam và như vậy, giá trị gia tăng của Việt Nam sẽ cao hơn. Thông qua chiến lược Make in Vietnam, chúng ta sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá tị toàn cầu ở những nấc thang cao hơn, chứ không phải ở nấc thang thấp như gia công lắp ráp”, Thứ trưởng Phan Tâm giải thích.
Như vậy, Make in Vietnam mang một nội hàm khác hẳn với khái niệm quen thuộc Made in Vietnam, thể hiện tính chủ động, sáng tạo, làm chủ của chúng ta trong việc sản xuất ra hàng hóa, giải pháp và mô hình kinh doanh.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải thưởng công nghệ số Make in Vietnam cho biết: "Giải thích dễ hiểu có thể lấy ví dụ như giày Adidas, Nike... thiết kế ở nước ngoài và sản xuất tại Việt Nam thì là Made in Vietnam, nhưng không phải Make in Vietnam. Điểm khác biệt ở chỗ phải thiết kế tại Việt Nam, thậm chí sau này sản xuất không nhất thiết phải ở Việt Nam nữa, vì khâu thiết kế là quan trọng nhất. Do đó, Make in Vietnam thì ý tưởng thiết kế tại Việt Nam là quan trọng nhất, chính là ý tưởng khuyến khích sáng tạo, là cốt lõi công nghệ của một quốc gia".