Chiều 28/9, tại buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội định kỳ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Lê Đình Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính tổng hợp Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 136 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC thì Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về PCCC trong phạm vi cả nước. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, kiểm định và chứng nhận phù hợp đối với thiết bị, phương tiện PCCC; quy định, quản lý, in và phát hành tem kiểm định phương tiện PCCC; ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn trang bị, quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và sử dụng phương tiện PCCC.
Ngoài ra, căn cứ văn bản hợp nhất số 13 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì các sản phẩm: bình chữa cháy các loại, trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân (quần, áo, kính, khẩu trang chữa cháy, mặt nạ lọc độc, mặt nạ phòng độc cách ly…) không thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an thì các sản phẩm: bình chữa cháy các loại, trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người (dây cứu người, đai cứu hộ, đệm cứu người, thang cứu người, ống tụt cứu người …) thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của Bộ Công an. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 08 thì việc quản lý các mặt hàng trên được Bộ trưởng Bộ Công an giao thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Công an; giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện.
Theo đó, ông Lê Đình Hiếu cho biết, việc quản lý các sản phẩm bình chữa cháy các loại, trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người nêu trên thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của Bộ Công an. Sở Công Thương sẽ phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC khi có yêu cầu. Mặt khác, các sản phẩm này không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá được quy định tại Nghị định số 177 năm 2013 và được sửa đổi bởi Nghị định số 149 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá.
Liên quan đến các thiết bị PCCC, ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại Trung tâm Thiết bị PCCC 4/10 (đường Trần Hưng Đạo), gần đây, lượng khách đến mua hàng đã tăng hơn 60%, chủ yếu mua mặt nạ lọc khói độc, bình chữa cháy, thang dây... Giá các sản phẩm ở đây vẫn ổn định. Cụ thể, bình chữa cháy CO2 loại 3kg, 5kg có giá 0.000 - 600.000 đồng/bình hoặc bình chữa cháy bột loại 4kg có giá gần 500.000 đồng/bình, phù hợp với các hộ gia đình do gọn nhẹ... Ngoài ra, có 2 loại thang dây được bán trên thị trường TP Hồ Chí Minh với chất liệu khác nhau. Thang dây màu trắng có thanh gác chân mỏng, nhẹ, yếu hơn so với thang dây màu vàng, giá bán chênh nhau 20.000 đồng/m. Hiện nay, phần lớn cửa hàng bán loại thang dây màu trắng, giá từ 90.000 đồng/m tăng lên 300.000 đồng/m.
Đại diện một số cửa hàng bán thiết bị PCCC tại TP Hồ Chí Minh cho biết, bình chữa cháy đúng quy định phải dán tem kiểm định. Mỗi loại bình chữa cháy đều có thời gian sử dụng, nhất là bình khí CO2. Nếu hết hạn, khí trong bình sẽ không còn tác dụng chữa cháy. Bình mới thì sau 12 tháng phải nạp 1 lần, còn bình đã từng nạp lại thì nên nạp 6 tháng/lần. Trước mỗi lần nạp khí mới và sau 5 năm sử dụng, vỏ bình phải được kiểm tra thủy lực, nếu đạt yêu cầu mới được dùng tiếp. Việc mua thiết bị cũ là rất nguy hiểm. Có nhiều điểm nạp sạc khí CO2 cho bình chữa cháy nhưng không phải tất cả đều an toàn và đúng tiêu chuẩn. Khách hàng phải đến các điểm nạp sạc bình chữa cháy có chất lượng và hợp tiêu chuẩn để an toàn khi dùng.