Không chỉ người dân phải trả chi phí xét nghiệm cao, mà nhiều doanh nghiệp cũng lao đao khi phải dùng bộ xét nghiệm của Việt Á với chi phí đắt đỏ, đặc biệt những doanh nghiệp sở hữu nhiều lao động tại đồng bằng sông Cửu Long. “Thay vì bán đúng giá, lãi vừa phải, họ đã "thổi giá" trên trời. Điều này không chỉ bóp chết doanh nghiệp, mà còn cản trở, ảnh hưởng đến thành quả phòng chống dịch”, đại diện Tập đoàn Nam Việt chia sẻ. Hoặc có những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong bối cảnh dịch bùng phát phải tổ chức mô hình sản xuất "3 tại chỗ" với gần 3.000 công nhân. Tiền xét nghiệm thời điểm đó tiêu tốn gần 5 tỷ đồng/tháng...
Theo quy định, hoạt động xét nghiệm là dịch vụ y tế phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận. Trong trường hợp, cơ sở y tế xác định giá dịch vụ không đúng theo quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 26/12, Luật sư Đỗ Minh Hiển, Trưởng Văn phòng luật sư JVN cho biết: “Đánh giá sơ bộ, người dân đã tham gia xét nghiệm được trả lại tiền là khó khả thi. Công ty CP Công nghệ Việt Á bán các bộ xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, nếu sai phạm về giá bán hay thủ tục liên quan đến hoạt động đấu thầu; đưa, nhận hối lộ, cơ quan điều tra sẽ điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng với hành vi và tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự - BLHS”.
Theo Luật sư Đỗ Minh Hiển, trong việc kê khai giá không đúng và các đơn vị mua hàng (CDC thuộc Sở Y tế các tỉnh) được xác định là người bị thiệt hại. Nguồn tiền mua các sinh phẩm xét nghiệm này nếu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước hoặc được ngân sách chi trả thì hành vi này gây thiệt hại trực tiếp cho Nhà nước. “Nếu xác định người đi xét nghiệm là người bị thiệt hại trong quan hệ pháp luật này thì chưa vững chắc về căn cứ. Mặt khác, rất khó xác định chính xác có bao nhiêu người đã thực hiện xét nghiệm có sử dụng các kit xét nghiệm của công ty”, đại diện Văn phòng luật sư JVN cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh: Trong trường hợp có gian dối, thực hiện không đúng thủ tục, xác định không đúng giá dẫn đến thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bên gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Theo đó, trong vụ án hình sự xảy ra tại CDC Hải Dương, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc xác định giá bộ kit test xét nghiệm COVID-19 để tiến hành xét nghiệm cho người dân có đúng pháp luật hay không? số tiền mà người dân phải chi trả có vượt quá cách tính giá theo quy định pháp luật hay không, các bị can, bị cáo có thu lợi bất chính hay không... “Nếu trong dịch vụ y tế đó có gian dối, xác định không đúng giá dịch vụ, có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cơ quan tố tụng cũng sẽ buộc các bị can, bị cáo, các cơ quan tổ chức đang chiếm giữ số tiền đó phải trả lại tiền cho các nạn nhân”, Luật sư Cường nêu.
Đối với những vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng dịch, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh trong công tác mua sắm, đấu thầu và sử dụng trang thiết bị phòng, chống dịch, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp với tình hình mới; thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm. Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh: “Việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty CP Công nghệ Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh”.
“Vụ việc xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á không phải là trường hợp đầu tiên, đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra vì chỉ định thầu. Rõ ràng vẫn còn tồn tại một vài kẽ hở trong luật song không đáng kể, vì chúng ta đã hoàn thiện Luật Đấu thầu, Đấu giá nhiều lần; công văn, văn bản hướng dẫn rất nhiều, nên những kẽ hở có thể bịt được đều đã được bịt kín”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho biết. Theo luật sư Trương Thanh Đức, vấn đề ở đây là nằm ở quá trình thực thi, người thực hiện; việc không công khai, không minh bạch; quân xanh, quân đỏ, tìm cách loại đối thủ. Việc lại quả, chiết khấu 20% không có gì lạ bởi nó là môi trường, tình trạng chung hiện nay”.
Nhiều ý kiến cho rằng: Quy trình chỉ định thầu rút gọn mua bộ xét nghiệm COVID-19 để chống dịch là cần thiết nhưng hiệu quả chỉ định thầu mua sắm lại phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của lãnh đạo các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế địa phương. Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, việc “nâng khống” giá kit test COVID-19 của Việt Á không phải vấn đề chỉ định thầu mà liên quan tới quy trình về xét duyệt về sản phẩm có tính cấp bách. Thời điểm đó chỉ có Công ty Việt Á đủ điều kiện đáp ứng là có hàng kit test trong nước sản xuất, còn lại tất cả các đơn vị khác đều phải nhập khẩu. "Cấp bách nhưng phải đảm bảo chất lượng, bởi đây là câu chuyện có động chạm về sức khoẻ toàn dân, về phòng chống đại dịch", TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) thuộc Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á cùng một số thuộc cấp để làm rõ nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh, C03 khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty CP Công nghệ Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sinh phẩm xét nghiệm COVID-19. Doanh nghiệp đã cung ứng kit xét nghiệm cho 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt cùng các nhân viên Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.