Nghiên cứu mới, do Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne và Đại học RMIT công bố ngày 17/10, đã có phân tích chi tiết đầu tiên về cơ chế vaccine axit ribonucleic thông tin (mRNA) lưu thông và phân hủy trong máu người.
Vaccine mRNA được thiết kế để lưu lại trong các hạch bạch huyết nhằm sản sinh kháng thể chống nhiễm trùng, nhưng theo nghiên cứu, qua phân tích 156 mẫu máu từ 19 cá nhân trong 28 ngày sau khi được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 mRNA tăng cường, đã phát hiện một lượng nhỏ vaccine đi vào máu.
Nghiên cứu cho rằng mức độ vaccine đi vào máu khác nhau có thể là nguyên nhân gây ra một số tác dụng phụ như sốt, đau đầu và mệt mỏi, được ghi nhận sau khi tiêm vaccine.
Vaccine mRNA ngừa COVID-19 đầu tiên đã được phê duyệt để tiêm chủng vào năm 2020. Thay vì sử dụng virus yếu, vaccine mRNA sử dụng một bản sao của một phân tử gọi là RNA thông tin (mRNA) để thúc đẩy cơ thể sản sinh một loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Đến nay giới khoa học đã sử dụng công nghệ vaccine mRNA để phát triển vaccine và liệu pháp điều trị cho nhiều bệnh khác, trong đó có cả ung thư. Nghiên cứu khẳng định phát hiện mới đã cung cấp hiểu biết có giá trị về việc cải thiện vaccine mRNA để sử dụng an toàn và hiệu quả hơn.