Chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột

Cách đây 40 năm, ngày 11/3/1975, quân và dân Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã sống trong khí thế sôi sục chiến đấu và chiến thắng của trận đánh Buôn Ma Thuột, mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, tạo bước ngoặt quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là kết quả quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ, gian khổ, tích lũy và phát triển lực lượng, tạo thế và lực, lựa đúng thời cơ, biến thành đòn sấm sét giáng xuống đầu quân thù.

Cuối năm 1974, ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn tuy còn ngoan cố đẩy mạnh bình định lấn chiếm chống phá cách mạng, nhưng thế và lực của địch ngày càng suy yếu, các lực lượng cách mạng ở miền Nam tiếp tục giành nhiều thắng lợi. Tháng 10/1974, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và thời cơ chiến lược mới. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 đến 1976 và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975.

Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp (mở rộng) đánh giá tình hình địch, ta ở miền Nam. Bộ Chính trị dự kiến: ‘Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Cũng thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Trận địa pháo của địch ở Buôn Ma Thuột bị pháo binh quân giải phóng đánh tan.


Việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột nằm trên trục đường 14, 21 thuận lợi cho việc phát triển chiến đấu ra các tỉnh Tây Nguyên, xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ. Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Tây Nguyên nhưng lại tương đối cô lập xa các trung tâm quân sự lớn, hạn chế sự chi viện lớn của địch. Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận có địa thế rất thuận lợi cho tác chiến hợp đồng binh chủng, nhưng ta chưa dùng chủ lực lớn đánh vào Thị xã nên địch bố trí binh lực ở đây có sơ hở hơn so với Pleiku và Kon Tum. Do đó, một trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo sự rung động mạnh về chiến lược, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm tư lệnh và đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy.

Để tạo bí mật bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, lực lượng bộ đội chủ lực của ta ở Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình, thu hút sự chú ý đối phó của địch ở bắc Tây Nguyên.

Cuối tháng 2/1975, Sư đoàn 9 đánh tiêu diệt chốt Mỹ, bức rút Đồn Tám và một số cứ điểm ở tây Pleiku, uy hiếp các quận lỵ Thanh An, căn cứ Thanh Bình. Ở phía đông An Khê, ngày 4/3/1975 Sư đoàn 3 của Quân khu 5 cắt đường 19 và đánh tiêu diệt một số vị trí của địch từ An Khê đến Bình Khê. Cho đến đầu tháng 3-1975 địch vẫn chưa phát hiện ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột, chúng còn đưa Trung đoàn 45 ở Đắk Lắk ra Pleiku đối phó với hoạt động của chủ lực ta ở bắc Tây Nguyên. Sáng ngày 5/3/1975, Trung đoàn 25 cắt đường 21. Ngày 8/3/1975, Trung đoàn 48 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn và căn cứ Cẩm Ga cắt đứt đường 14 diệt tiểu đoàn bảo an, bắt 120 tên địch, thu 200 súng. Ngày 9/3 Sư đoàn 10 đánh quận lỵ Đức Lập, căn cứ Núi Lửa, cứ điểm 22.

Đúng 2 giờ 3 phút sáng ngày 10/3/1975, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu, đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu kho Mai Hắc Đế, binh đánh sân bay Hòa Bình; hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Sáng ngày 10-3, ở hướng Bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng Tây Bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu Kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Chư Êbur, Chư Dluê… phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây, quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá Sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình.

Ngày 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó Sư 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã.

Tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3- 1975. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia


Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử, là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột trước hết là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương đã có quyết tâm cao, chọn đúng thời cơ lịch sử, chọn đúng điểm quyết chiến chiến lược và tập trung cao độ binh hỏa lực để giành thắng lợi. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến công chung của quân và dân trong cả nước mà trực tiếp là lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên.

40 năm sau khói lửa chiến tranh, Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành đô thị loại 1. Đặc biệt là sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, thành phố Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún, thành phố đã tập trung xây dựng và phát triển được một nền kinh tế chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2011-2013, bình quân tăng 14,5%. GDP bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 dự kiến đạt 50 triệu đồng.

Buôn Ma Thuột còn nổi tiếng là một trong những thành phố xanh nhất cả nước, là đô thị có lượng cà phê giao dịch hàng năm nhiều nhất Việt Nam.

Buôn Ma Thuột - mảnh đất cao nguyên anh hùng đầy huyền thoại đang vươn mình trỗi dậy, luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk.


Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN

Chiến dịch Tây Nguyên: Giải phóng Buôn Ma Thuột
Chiến dịch Tây Nguyên: Giải phóng Buôn Ma Thuột

Tại thị xã Buôn Ma Thuột, từ 2 giờ sáng, Trung đoàn 198 đặc công đã nổ súng tiến công sân bay thị xã, sân bay Hoà Bình, khu kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN