Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser phát động Chiến tranh Tiêu hao với Israel vào tháng 3/1969. Với sự hậu thuẫn của Liên Xô, chiến dịch quân sự này đã tìm cách tiêu diệt Israel bằng các cuộc tấn công đặc công, ném bom và bắn pháo hạng nặng qua kênh đào Suez. Với sự khuyến khích của Nixon và Kissinger, Yitzḥak Rabin (sau này là Thủ tướng Israel), khi đó là đại sứ tại Mỹ, đã vận động chính phủ của mình leo thang xung đột bằng cách tiến hành các cuộc tấn công trả đũa sâu vào Ai Cập, ở đồng bằng sông Nile. Nữ Thủ tướng Meir và Bộ trưởng Quốc phòng Dayan làm theo lời khuyên của Rabin.
Đầu tháng 1/1970, Nasser bí mật tới Moskva, nơi ông đưa ra lời kêu gọi đầy xúc động về những loại vũ khí tốt hơn. Thủ tướng Liên Xô, Leonid Brezhnev, đáp lại bằng cách phát động Chiến dịch Kavkaz, chuyển giao cho Ai Cập một số lượng lớn tên lửa đất đối không SAM và máy bay chiến đấu MiG hiện đại. Moskva cũng cung cấp nhân sự, phi công lái MiG và binh sĩ điều khiển SAM.
Cuộc chiến do đó đã trở thành một cuộc xung đột giữa Liên Xô và Israel. Để đối phó với sự leo thang này, chính quyền Nixon, vốn đang bận tâm đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đã chọn cách giảm căng thẳng. Họ đưa ra một đề xuất ngừng bắn, có hiệu lực vào nửa đêm ngày 7/8/1970. Ngay đêm đó, người Ai Cập, trái với thỏa thuận, đã di chuyển các khẩu đội SAM lập tức tới kênh đào Suez.
Một số người Israel mong muốn phá hủy các hệ thống của Liên Xô ngay khi chúng được bố trí dọc theo kênh đào. Nixon phản đối ý tưởng này, nhưng để đổi lấy việc Israel chấp nhận lệnh ngừng bắn, ông đưa ra những đảm bảo cho Israel tạo nên bước tiến lớn trong mối quan hệ, biến nó thành quan hệ đối tác chiến lược mà chúng ta biết ngày nay.
Cam kết lớn của Mỹ với Israel
Vào thời điểm đó, mối quan hệ hợp tác đó dựa trên hai cam kết lớn của Mỹ. Vấn đề đầu tiên liên quan đến khía cạnh lãnh thổ của các khu định cư tiềm năng giữa Israel và các nước láng giềng. Trong một lá thư gửi Thủ tướng Meir, Nixon giải thích rằng trong các cuộc đàm phán sau lệnh ngừng bắn, người Ai Cập sẽ yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi các khu vực chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967 và tìm cách tái định cư người tị nạn Palestine trong biên giới Israel. “Tôi muốn đảm bảo với các ông", Nixon viết, "rằng chúng tôi sẽ không ép Israel chấp nhận [các yêu cầu của Ai Cập]. Quan điểm của chúng tôi về việc rút lui là biên giới cuối cùng phải được các bên thống nhất thông qua đàm phán. . . . Hơn nữa, chúng tôi sẽ không ép Israel chấp nhận một giải pháp tị nạn có thể làm thay đổi căn bản đặc tính Do Thái của nhà nước Israel hoặc gây nguy hiểm cho an ninh của các bạn. Chúng tôi cũng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt và chắc chắn nguyên tắc cơ bản là phải có một thỏa thuận hòa bình, trong đó mỗi bên thực hiện các nghĩa vụ có đi có lại với bên kia và rằng không người lính Israel nào rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cho đến khi đạt được thỏa thuận hòa bình mang tính ràng buộc".
Những ý tưởng được nêu ở đây đã trở nên quen thuộc với chúng ta như những trụ cột trong chính sách của Mỹ đến nỗi chúng ta quên rằng không phải lúc nào cũng như vậy.
Trước tháng 8/1970, vẫn còn nhiều người trong hệ thống an ninh quốc gia Mỹ tìm cách áp đặt những nhượng bộ về lãnh thổ đối với nhà nước Do Thái. Nhưng Golda Meir không bao giờ quên cam kết thứ hai mà Nixon đưa ra. Nixon viết: “Tôi muốn một lần nữa đảm bảo với bạn về sự ủng hộ của tôi đối với sự tồn tại và an ninh của Israel cũng như ý định của tôi là tiếp tục cung cấp cho Israel sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo rằng cán cân quyền lực sẽ không bị thay đổi theo hướng gây bất lợi cho Israel".
Năm thập kỷ sau, chúng ta có thể thấy rằng những lời hứa đó là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cụ thể là duy trì lợi thế quân sự chất lượng của Israel, còn gọi là QME. Quốc hội Mỹ thậm chí đã ban hành luật yêu cầu Mỹ duy trì QME của Israel.
Trong những ngày đầu tiên của Chiến tranh Yom Kippur, khi Thủ tướng Golda Meir bước vào thời khắc đen tối nhất, những cam kết này đã dẫn đường bà tiến về phía trước. Khi vấn đề tiếp tế đè nặng lên tâm trí, bà gọi cho đại sứ của mình tại Mỹ vào lúc ba giờ sáng và bảo ông đánh thức Kissinger và Nixon. Trong hồi ký của mình, Meir giải thích: “Tôi biết rằng Tổng thống Nixon đã hứa giúp đỡ chúng tôi, và tôi biết từ kinh nghiệm quá khứ rằng ông ấy sẽ không làm chúng tôi thất vọng”.
Israel phải kiềm chế
Nhưng những lời hứa đó đều có những điều kiện kèm theo. Tại một cuộc họp ở Washington vào tháng 8/1970, Đại sứ Israel tại Mỹ Rabin nói với Tổng thống Nixon rằng Meir đã chấp nhận lệnh ngừng bắn trong Chiến tranh Tiêu hao chỉ vì lá thư cá nhân của Nixon đảm bảo QME và hứa sẽ không áp đặt bất kỳ cuộc rút quân nào của Israel khỏi lãnh thổ chiếm đóng. Đáp lại, Nixon nhấn mạnh rằng Israel không bao giờ phải chịu trách nhiệm về việc phá vỡ lệnh ngừng bắn. Nếu xung đột tái diễn, Nixon muốn đảm bảo rằng Ai Cập, chứ không phải Israel, sẽ bị coi là kẻ xâm lược. Tổng thống cảnh báo rằng đây sẽ là thời điểm khó khăn nhất đối với Israel nhưng nước này phải thể hiện mức độ tự kiềm chế tối đa.
Kết quả của việc này và vô số trao đổi tương tự trong ba năm sau đó là Golda Meir và Moshe Dayan đã tính toán vào ngày 6/10/1973 với sự hiểu biết rằng họ đã đạt được thỏa thuận có qua có lại với Washington: chính quyền Nixon đề nghị một quan hệ đối tác chiến lược, trong đó bao gồm cam kết cung cấp vũ khí; đổi lại, Israel đồng ý không tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu - không triển khai công cụ đã mang lại chiến thắng năm 1967 - vì sợ có nguy cơ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột trực tiếp với Liên Xô.
Phá vỡ hoàn toàn lối suy nghĩ truyền thống của Mỹ về cuộc xung đột Arab-Israel, Nixon và Kissinger kết luận rằng sức mạnh quân sự của Israel là một tài sản đối với Mỹ. Chứng kiến Israel đối đầu không chỉ với Ai Cập mà còn với Liên Xô, họ tính toán rằng nhà nước Do Thái có thể giúp thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông. Israel thậm chí có thể đóng vai trò là điểm tựa để lật Cairo từ phe Liên Xô sang phe Mỹ.
Nixon và Kissinger lý luận rằng để lấy lại lãnh thổ đã mất và mở lại kênh đào Suez, Ai Cập buộc phải đàm phán trực tiếp với Israel. Liên Xô có thể giúp Cairo gây chiến, nhưng chỉ có Mỹ mới có thể giúp nước này tạo nên hòa bình. Washington có thể mang lại cho Israel và môi giới một giải pháp lâu dài – nhưng chỉ khi Tổng thống Sadat, người đã thay thế cố Tổng thống Ai Cập Nasser vào thời điểm này, trước tiên đồng ý từ bỏ Moskva. Trong khi đó, Mỹ sẽ xây dựng quân đội cho Israel.
Cuộc chiến tranh Tiêu hao đã dạy Nixon rằng sự leo thang xung đột Ai Cập-Israel có thể thúc đẩy Liên Xô tăng quy mô lực lượng của họ ở Ai Cập. Khi đó, Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa việc chống lại các động thái của Liên Xô hoặc lùi bước và trao cho Moskva một chiến thắng. Nixon tìm cách đảm bảo rằng nếu kiểu đối đầu này xuất hiện, ông sẽ có đủ khả năng để giải quyết nó. Một cuộc chiến tranh Ai Cập-Israel chắc chắn sẽ khiến một số tiếng nói có ảnh hưởng trong Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc cáo buộc Israel lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến với Liên Xô. Vì thế, Nixon và Kissinger yêu cầu Israel ngăn chặn những cáo buộc như vậy bằng cách kiềm chế để đảm bảo rằng Ai Cập sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn năm 1970.
Vào buổi sáng Yom Kippur năm 1973, Kissinger bị đánh thức trong khách sạn và nhận được cam kết từ Golda Meir rằng Israel sẽ không tấn công phủ đầu, ông lập tức gọi điện cho Đại sứ Liên Xô Anatoli Dobrynin để thông báo rằng Israel muốn Liên Xô biết điều đó. Họ không có ý định tấn công. Lúc 6h55 sáng, 15 phút sau khi gọi điện cho Dobrynin, Kissinger gọi điện cho Mordechai Shalev, một nhà ngoại giao cấp cao của Israel ở Washington và nói: “Chúng tôi mong ông đừng thực hiện bất kỳ hành động phủ đầu nào vì tình hình sẽ trở nên rất nghiêm trọng".
Lúc 7 giờ sáng, Kissinger gọi cho ngoại trưởng Ai Cập và thông báo: “Tôi vừa gọi cho Mordechai Shalev và tôi đã nói với ông ấy rằng Israel không được tấn công, bất kể họ nghĩ hành động khiêu khích đó là gì.”
Chúng ta có thể tưởng tượng niềm vui mà Tổng thống Ai Cập Sadat và Thủ tướng Liên Xô Brezhnev cảm thấy khi họ biết rằng Kissinger đã cúi mình để thông báo với họ rằng ông ta đang kiềm chế Israel. Vào thời điểm Kissinger tắt máy với ngoại trưởng Ai Cập, chỉ còn chưa đầy một giờ nữa là cuộc tấn công phối hợp tổng lực của Ai Cập và Syria sẽ bắt đầu. Nhưng dựa trên những tính toán riêng, Washington đang "trói tay" đồng minh của mình khi họ sắp bị tấn công.
Cân bằng quyền lực có lợi cho Israel
Tuy nhiên, tạo cho Ai Cập và Syria một lợi thế lớn so với Israel chưa bao giờ là mục tiêu của Kissinger. Giống như toàn bộ giới lãnh đạo Israel, bao gồm Thủ tướng Golda Meir và Moshe Dayan (Bộ trưởng Quốc phòng Israel), không nói gì đến CIA, ông không hề biết gì về sức mạnh của đòn tấn công mà Sadat đã chuẩn bị cho người Israel. Giống như mọi người khác vào buổi sáng Yom Kippur, ông cho rằng cuộc chiến sẽ chỉ kéo dài vài ngày và Israel sẽ thắng đậm.
Sai lầm của Kissinger xuất phát từ sự hiểu lầm tạm thời về cán cân quân sự. Từ năm 1970 cho đến khi rời nhiệm sở, ông theo đuổi chiến lược tương tự mà ông và Nixon đã vạch ra khi kết thúc Chiến tranh Tiêu hao năm 1970, đó là sử dụng Israel làm đòn bẩy để kéo Ai Cập ra khỏi Liên Xô. Khi ông gọi điện cho đại sứ Liên Xô và ngoại trưởng Ai Cập vào ngày 6/10/1973, ông đã tìm kiếm kết quả tương tự như ông đã theo đuổi vào năm 1971: một sự cân bằng quyền lực có lợi cho Israel.
Nhưng từ khóa là “cân bằng”. Sự cân bằng quyền lực cho phép Mỹ - thông qua Kissinger - bước vào và làm trung gian giữa Cairo và Jerusalem, với mục đích kéo Sadat ra khỏi phạm vi của Liên Xô và về phe Mỹ. Điều Kissinger lo sợ nhất vào buổi sáng lễ Yom Kippur là một cuộc tấn công phủ đầu của Israel, một chiến thắng chênh lệch khác trong đó Israel sẽ chiếm thêm lãnh thổ từ Ai Cập và Syria và có khả năng làm rung chuyển các chế độ. Khi đó, Ai Cập sẽ bị buộc trở lại vòng tay của Liên Xô, giống như sau Chiến tranh Sáu ngày, để chuẩn bị cho một đợt giao tranh khác.
Bằng cách đảm bảo sự kiềm chế của Meir và sau đó thông báo cho Liên Xô và Ai Cập về điều đó, Kissinger đang theo đuổi hai mục tiêu trước mắt. Đầu tiên, ông muốn ngăn chặn sự leo thang trực tiếp của Liên Xô theo kiểu mà ông đã thấy trong Chiến tranh tiêu hao - tức là sự tái xuất hiện của quân chiến đấu của Liên Xô. Xung đột Ai Cập-Israel sẽ leo thang thành một cuộc đối đầu giữa các siêu cường. Thứ hai, ông muốn duy trì quan hệ cởi mở với người Ai Cập để sau khi xung đột kết thúc, ông có thể khởi động lại chính sách ngoại giao mà ông đã trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử ở Israel, hy vọng thành công của Israel trên chiến trường sẽ mang lại cho ông đòn bẩy lớn hơn.
Trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, khi Kissinger hiểu được thực tế về điểm yếu của Israel, ông đã nhận được lời cầu xin khẩn thiết từ Golda Meir về máy bay, xe tăng và đạn dược. Nixon chấp thuận việc tiếp tế, nhưng số hàng ban đầu rất nhỏ và việc chuyển giao chúng còn chưa chắc chắn.
Cuối cùng, phải đến ngày 14/10, Nixon mới ra lệnh tiến hành một cuộc không vận lớn, một trong những cuộc không vận lớn nhất trong lịch sử, chấm dứt mọi trở ngại và mở đường cho cuộc phản công thắng lợi của Israel.
Lý do là vào cuối tuần đầu tiên của cuộc chiến, Nixon nhận ra rằng Moskva đang lợi dụng sự kiềm chế của Mỹ vượt quá mức mà ông có thể chịu đựng được. Liên Xô đã phát động một chiến dịch lớn nhằm tiếp tế cho quân đội Syria và Ai Cập, và Nixon thấy rõ ràng rằng liên minh Arab không có ý định theo đuổi lệnh ngừng bắn. Những sự thật này đã thuyết phục ông và Kissinger rằng, để giữ đúng lời hứa với Meir vào năm 1970, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối đầu với bất kỳ hệ thống vũ khí nào mà Liên Xô có thể đưa vào Trung Đông. Cần phải chứng minh cho thế giới thấy rằng Mỹ sẽ giao vũ khí của mình vào tay những người có năng lực hơn – tay Israel – dù có chuyện gì xảy ra.
Nixon gọi điện cho Kissinger vào ngày 14/10 để nhấn mạnh rằng việc tiếp tế không chỉ phải hiệu quả mà còn phải lớn.
Tổng cộng 550 máy bay vận tải của Mỹ đã bay tới Israel trong vài tuần. Vào lúc cao điểm, cứ 15 phút lại có một chiếc máy bay hạ cánh. Trong vòng vài ngày, nỗ lực của Mỹ đã vượt qua lực lượng không vận của Liên Xô tới Ai Cập và Syria. Đồng thời, chính quyền đã đưa ra trước Quốc hội Mỹ yêu cầu trị giá 2,2 tỷ USD về các khoản vay và trợ cấp khẩn cấp cho Israel.
Xem từ Kỳ 1: "Ngôi đền thứ ba" gặp nguy hiểm