Xã Thanh Thủy nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) là xã nổi dậy giành chính quyền sớm nhất tỉnh Nghệ An trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đã 70 năm trôi qua, nhưng khí thế sôi nổi, quật cường giành lấy chính quyền năm ấy vẫn được mọi người nhắc đến và được thế hệ trẻ phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Khí thế quật cường trong đấu tranh cách mạng Là một trong những cơ sở cách mạng chủ chốt của huyện Nam Đàn, nhân dân xã Thanh Thủy đã đoàn kết một lòng nuôi giấu, che chở cho các chiến sĩ cách mạng. Ngay sau khi thành lập vào tháng 6/1945, Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy đã phân công cán bộ đi tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các hội quần chúng của Mặt trận. Nhân dân Thanh Thủy vốn có truyền thống cách mạng nên mọi người đều nô nức tham gia.
Đã bước sang tuổi 93, trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng ký ức về khí thế quật cường ngày đó, mốc son chói lọi của lịch sử vẫn không phai nhạt trong tâm trí cụ Bùi Danh Châu. Cụ Châu nhớ lại: Ngay sau khi Phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, ngày 15/8 Việt minh Liên tỉnh Nghệ Tĩnh họp và ra lệnh cho các phủ, huyện bố trí ngay việc giành chính quyền, không câu nệ làng trước hay huyện trước. Ngay sau khi nhận lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa Liên tỉnh Nghệ Tĩnh, trong ngày 15/8 tại chùa Viên Quang, Ban chấp hành Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy đã tổ chức một cuộc họp bí mật do đồng chí Nguyễn Hữu Thái chủ trì.
Là Ủy viên Ban chấp hành Hội thanh niên Phan Anh (một tổ chức yêu nước tại địa phương) nên ông Bùi Danh Châu cũng trực tiếp tham dự cuộc họp trên. Tại cuộc họp, Ban chấp hành Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy nhận định: Thời điểm này, hệ thống bang tá, hương lý, cường hào đã hoang mang, dao động cực độ; lính khố đỏ, khố xanh Pháp bỏ ngũ về sẵn sàng tham gia phong trào cách mạng của địa phương; lực lượng khởi nghĩa tại Thanh Thủy đã chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh. Thời cơ cách mạng đã tới, ai cũng nô nức, hăng hái sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Tại cuộc họp trên, Ban chấp hành Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy cũng nhận định thời cơ đã đến, tuy nhiên quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trong lúc Nghệ An và Hà Tĩnh chưa có nơi nào giành chính quyền. Cả nước chỉ mới một số tỉnh miền Bắc giành chính quyền thắng lợi nên việc Thanh Thủy khởi nghĩa lúc này là khá nguy hiểm nhưng điều này sẽ châm ngòi nổ lớn thúc đẩy phong trào cách mạng nói chung trong toàn tỉnh Nghệ An.
Ngày 16/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy, đông đảo bà con nhân dân đã nhất tề đứng dậy cướp chính quyền. Trước khí thế sục sôi, ý chí quật cường của người dân, lý trưởng, cường hào, hương lý không giám phản ứng mà đã ngoan ngoãn giao nộp con dấu và các loại giấy tờ sổ sách của xã cho cách mạng. Cuộc nổi dậy cướp chính quyền tại xã Thanh Thủy đã thành công, lúc này mới chỉ có xã Thanh Thủy giành được chính quyền đầu tiên. Chính quyền cũ tan ra, Ủy ban khởi nghĩa lâm thời được thành lập, trụ sở đóng tại đình Đức Nam. Ông Bùi Danh Châu được bầu làm Ủy viên quân sự của Ủy ban khởi nghĩa xã Thanh Thủy.
Thắng lợi của xã Thanh Thủy đã mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở các làng, xã khác, uy hiếp trực tiếp đến sự sống còn của bộ máy chính quyền bù nhìn phát xít Nhật tại huyện Nam Đàn. Đến ngày 23/8/1945 dưới sự chỉ huy của Mặt trận Việt minh, nhân dân các làng, xã trong huyện nhất tề đứng lên giương cao cờ đỏ sao vàng kéo đến thị trấn Sa Nam giành chính quyền trong toàn huyện Nam Đàn.
Khí thế hào hùng lịch sử đó được ông Bùi Danh Châu ghi lại bằng 6 câu thơ:
"Nam Thanh quật khởi vùng lên
Dẫn đầu toàn tỉnh chính quyền về tay
Bốn lăm Ất Dậu ấy ngày
Mười sáu tháng tám cờ bay rợp trời
Kể sao hết nỗi mừng vui
Kể sao hết cảnh người người hân hoan".
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới Về xã Thanh Thủy, nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) hôm nay, những con đường bê tông đã trải dài ở tất cả các đường liên xã, những ngôi nhà ngói mới đỏ mọc lên san sát, người dân hăng say lao động phát triển kinh tế với quyết tâm xây dựng quê hương của cách mạng ngày càng giàu đẹp. Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Thanh chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Thanh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, trong đó phải tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, xã Nam Thanh đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền xã Nam Thanh sớm xác định phải dựa vào sức dân và huy động tối đa nguồn sức mạnh từ nhân dân. Vì vậy khâu tuyên truyền vận động để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mới là gì và chủ thể của công cuộc xây dựng nông thôn mới là ai là quan trọng nhất.
Trong 3 năm vừa qua, toàn xã có gần 300 hộ dân tự nguyện hiến đất vườn để làm đường giao thông, ngoài ra người dân còn tự nguyện tháo dỡ cổng, tường rào, công trình phụ… để xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn xã đã xây dựng trên 30 km đường giao thông nông thôn. Toàn xã đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Ông Cung còn chia sẻ thêm: Để tạo niềm tin cho nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới, trong những ngày đầu tiên chính quyền xã Nam Thanh đã tập trung vào việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với sự hỗ trợ về nguồn vốn, tư vấn về kỹ thuật của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn hơn trong việc phát triển các mô hình trang trại kinh tế hộ gia đình như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, phát triển trang trại vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp... vậy nên đời sống kinh tế của bà con nhân dân ngày càng cải thiện. Đến nay, toàn xã Nam Thanh có 11 mô hình trang trại đạt chuẩn có thu nhập kinh tế cao và 143 mô hình gia trại; thu nhập của người dân xã Nam Thanh là trên 28 triệu/người/năm.
Với phương châm tranh thủ tối đa mọi nguồn lực đồng thời phát huy cao nội lực của nhân dân, trong 3 năm qua xã Nam Thanh đã tập trung nâng cấp cải tạo nhiều công trình phúc lợi xã hội quan trọng như: Nhà văn hóa, trạm y tế, điện cao áp chiếu sáng…; địa phương cũng tập trung đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hiện nay xã Nam Thanh có 2/3 trường đạt tiêu chuẩn quốc gia; công tác giáo dục được đẩy mạnh, xã cũng đã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm xuống một cách đáng kể, còn trên 4%.
Phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước, nhân dân xã Nam Thanh ngày nay đã hăng say lao động sản xuất, đồng lòng cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn. Đặc biệt chỉ trong 3 năm qua, với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên đời sống của nhân dân đã thật sự nâng lên đáng kể, diện mạo nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc.