Mayakovsky - nhà thơ vĩ đại của văn học Xô Viết

Đánh giá về vai trò lớn lao của nhà thơ Mayakovsky, lãnh tụ Xô Viết Stalin đã từng nói: “Mayakovsky là nhà thơ ưu tú nhất của chủ nghĩa xã hội”. Quả thật như vậy, sự nghiệp thơ ca của Mayakovsky chính là một pho biên niên sử của nước Nga thời đại Cách mạng Tháng Mười và những thập niên đầu tiên của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông được xem là một cây bút sống với công chúng, vì công chúng và nhờ công chúng.

 

Vladimir Vladimirovich Mayakovskysinh 

Ở Mayakovsky nổi bật lên phẩm chất của nhà thơ kiểu mới.

ngày 19/7/1893 tại làng Bagdadi ở Gruzia, trong gia đình của một người gác rừng. Thời thơ ấu của ông trôi qua ở Gruzia, nhưng sau khi cha ông qua đời, Mayakovsky cùng gia đình chuyển về Moskva. Tuổi 15, ông đã rời bỏ ghế nhà trường để tham gia cách mạng và ba lần bị bắt. Trong quãng thời gian bị biệt giam trong nhà tù Butyrskaya, Mayakovsky bắt đầu làm thơ và đây chính là dấu mốc mở đầu cho sự nghiệp sáng tác thơ ca của ông.

 

Ông phấn đấu không mệt mỏi để loại hẳn ra ngoài sáng tác của mình những rơi rớt của chủ nghĩa vị lai - một trường phái nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, mang nặng tư tưởng hư vô, vô chính phủ - mà ông bị ảnh hưởng trong thời kỳ đầu sáng tác, để vươn lên trở thành nhà thơ chân chính của “giai cấp tiến công”.

 

Điển hình là trường ca “Đám mây mặc quần” sáng tác năm 1915, thấm sâu cảm hứng phê phán quyết liệt thực tại xã hội tư sản về mọi phương diện: chế độ xã hội, tôn giáo, nghệ thuật, quan hệ giữa người với người. Tác phẩm này được Marxim Gorky đánh giá rất cao. Tinh thần phản kháng, đấu tranh chống thực tại tư sản vô nhân đạo tiếp tục được phát triển mạnh mẽ trong những trường ca như “Cây sáo-xương sống”  (năm 1915), “Chiến tranh và thế giới” (năm 1916), “Con người” (năm 1917)…

 

Tiếng nói trong thơ của Mayakovsky luôn bao trùm thời đại, nóng hổi như một điệu kèn xuất trận, thúc giục tiến lên phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội. Trong cái rung chuyển long trời lở đất của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, thơ Mayakovsky xuất hiện như một cơn động đất làm vụn nát những quan niệm tư sản cũ kỹ còn nặng nề trong thi ca Liên Xô.

 

Cách mạng Tháng Mười giành thắng lợi năm 1917, Mayakovsky đã công khai, dứt khoát đi với chính quyền Xô Viết, nguyện mang toàn tâm, toàn lực phục vụ sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản. Thời kỳ này, ông viết những bài thơ phản ánh kịp thời, sinh động khí thế tiến công cách mạng của hàng trăm triệu nhân dân Xô Viết.

 

Ông Mayakovsky và vợ là bà Lilya Brik.


Những tác phẩm của nhà thơ mang đầy tính tuyên truyền, cổ động như trường ca “150 triệu” (năm 1920) mang âm hưởng của sử thi dân gian Nga. Đặc biệt, trường ca “Tốt lắm” ông viết nhân kỷ niệm mười năm Cách mạng Tháng Mười được coi là một trong những tác phẩm kiệt xuất của nhà thơ. Với trường ca này, chủ đề trung tâm trong thơ Mayakovsky “cách mạng của tôi” đã được chuyển sang một phương diện mới, đó là “Tổ quốc của tôi”. Tràn ngập niềm xúc động, ông viết: “Tôi ngợi ca/Tổ quốc/ngày nay/Tôi ngợi ca gấp ba lần/Tổ quốc/ngày mai!”.

 

Đặc biệt, Mayakovsky còn sáng tác cả một bản trường ca để ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Liên Xô - Trường ca “Vladimir Ilich Lenin”. Người ta đánh giá, đến nay, trong văn học Nga và thế giới, chưa có bản trường ca nào lại có tầm vóc về Lênin như bản trường ca Vladimir Ilich Lenin” của Mayakovsky.

 

Có thể nói, hình thức thơ của Mayakovsky rất độc đáo, sắp xếp theo bậc thang, tiết tấu rõ ràng mà khỏe khoắn, từ ngữ nghiêm trang mà chặt chẽ. Kết thúc cuộc đời ở tuổi 37, bằng phát súng tự sát, Mayakovsky đã vô tình để phủ lên cuộc đời mình một màn đen bí ẩn.

 

Theo báo chí đương thời tường thuật, đám tang Mayakovsky được tổ chức trọng thể trong ba ngày 15, 16, 17/4/1930, đã có gần hai chục vạn người đến nghiêng mình trước linh cữu ông. Đặc biệt hơn, trong số các vòng hoa viếng nhà thơ, có một vòng hoa được kết nối bằng đinh ốc, búa, ổ trục, với dòng băng tang "Vòng hoa thép viếng nhà thơ thép". Tận mắt chứng kiến dòng người đông đảo đi theo xe tang tiễn đưa nhà thơ vĩ đại về nơi an nghỉ cuối cùng, một người bạn thân của Mayakovsky đã phải day dứt thốt lên rằng: "cả anh, cả chúng tôi đều không biết chúng ta yêu anh đến vậy...".

 

Tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi  nhưng sự nghiệp sáng tác của ông là một khối lượng công việc đồ sộ, cả về thơ, kịch, các bài chính luận, tiểu luận, hàng ngàn bức tranh áp phích, và rất nhiều công việc khác. Nhiều thi hào trên thế giới như Aragon (Pháp), Neruda (Chile), Tuvim (Ba Lan)… đều từng ca ngợi những công lao to lớn và sự ảnh hưởng của Mayakovsky đối với sự nghiệp thơ ca của mình…

 

Ngôi mộ của nhà thơ Mayakovsky đặt tại Novodevichy.


Ở Việt Nam, Mayakovsky từ lâu đã trở thành người bạn chiến đấu gần gũi, thân thiết của độc giả Việt Nam. Thơ của Mayakovsky  đến Việt Nam từ thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939). Và từ Cách mạng tháng Tám đến nay, nhiều tác phẩm của ông đã được dịch, giới thiệu ở Việt Nam.

 

Đến nay, Mayakovsky vẫn luôn được coi là nhà thơ vĩ đại của văn học Xô Viết, ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ lớn trong nước và trên thế giới. Di sản thi ca của Mayakovsky rất đồ sộ và sự cách tân hình thức thơ của ông đã có ảnh hưởng không chỉ đến nền thơ ca Nga mà còn đối với thơ ca của cả thế giới.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

 

Nguồn sáng vĩ đại Nelson Mandela
Nguồn sáng vĩ đại Nelson Mandela

Được tôn vinh như vị cha già dân tộc của Nam Phi, ông Nelson Mandela là chính khách nổi tiếng cả thế giới vì sự đấu tranh không mệt mỏi để loại bỏ chủ nghĩa Apartheid. Ông sinh ngày 18/7/1918.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN