Người khám phá ra hiện tượng phóng xạ tự nhiên

Ngày 12/6/1901, nhà bác học vĩ đại người Pháp Antoine Henri Becquerel đã công bố những nghiên cứu đầu tiên về hiện tượng phóng xạ. Becquerel phát hiện được rằng tinh thể muối uranium liên tục phóng ra một loại bức xạ có khả năng xuyên qua các màn chắn ánh nắng và làm đen các kính ảnh. Đó chính là hiện tượng phóng xạ tự nhiên.


Antoine Henri Becquerel sinh ngày 15/12/1852 tại Paris, trong một gia đình gồm những nhà vật lý nổi tiếng. Ông nội của Henri Becquerel là Antoine César Becquerel, một trong những người sáng lập ra môn điện hóa học; cha ông là Alexandre Edmond Becquerel, người đã phát minh ra quang phổ kế.


Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1895, Henri Becquerel là giáo sư vật lý tại Trường Bách khoa và quốc học Pháp. Henri Becquerel đã nghiên cứu về tia Roentgen. Ông cho rằng, nhiều loại chất khác nhau có thể phát ra tia Roentgen sau khi chúng được ánh nắng rọi vào.


Ông bắt đầu một loạt thí nghiệm. Đầu tiên, ông thử một muối uranium và thấy rằng ánh sáng ban ngày phát triển trong khoáng chất này một lân quang được nhìn thấy rõ trên các ảnh chụp.


Những ngày cuối tháng 2/1896, Becquerel sửa soạn vài gương ảnh và đem ra phơi ngoài trời. Nhưng lại gặp những ngày không nắng, ông đành phải cất các gương ảnh vào ngăn kéo. Ngày 1/ 3/1896 đợi thời tiết thật tốt, nhà bác học đem phơi ra ánh sáng mặt trời các gương ảnh đã chuẩn bị từ hai hôm trước. Và thật ngạc nhiên, những gương ảnh cất kĩ trong tủ, không có ánh sáng lại ăn ảnh. Người ta thấy rõ một vết ở chỗ có để muối. Như vậy Becquerel đạt đến một khám phá to lớn: Uranium và hợp chất của nó phát ra một bức xạ đặt biệt bắt được trên gương ảnh. Đó chính là hiện tượng phóng xạ tự nhiên.


Năm 1903, Becquerel đã được tặng giải thưởng Nobel về vật lý cùng với Pierre và Marie Curie vì những công trình nghiên cứu của mình về uranium và các chất phóng xạ.


Nhờ có phát minh của Becquerel, người ta quan tâm nhiều hơn đến các chất phóng xạ. Một loạt các chất phóng xạ được tìm ra với sự hy sinh của nhiều nhà khoa học như Ernest Rutherford, Marie Curie, Pierre Curie. Đến nay, 78 chất phóng xạ khác nhau đã được tìm ra như cacbon phóng xạ, iốt phóng xạ, urani, radi, poloni, plutoni... Các loại vật chất này đã khiến cho cuộc sống loài người có nhiều thay đổi lớn lao.


Ứng dụng chất phóng xạ trong y học và sinh học


Chất phóng xạ đã và đang cứu được hàng nghìn người trên thế giới với ứng dụng trong lĩnh vực y sinh học. Ứng dụng đặc sắc nhất của chất phóng xạ là trong điều trị các bệnh ung thư.



Với tác dụng làm hỏng DNA, các chất phóng xạ có khả năng làm tế bào ung thư chết dần dần, khối ung thư thì nhỏ lại không thể hồi phục. Hàng loạt những bệnh nhân ung thư đã được sử dụng chất phóng xạ trong điều trị ung thư máu (leukemia), ung thư tinh hoàn, ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt...


Ngoài ra, người ta còn sử dụng phóng xạ trong lĩnh vực chẩn đoán. Một trong các bệnh được ứng dụng khá tốt là nhồi máu cơ tim và bệnh Basedow. Ở đây, người ta sử dụng chất phóng xạ là i ốt.


Sự ứng dụng mang tính đột phá có lẽ là trong công nghệ chẩn đoán hình ảnh. Sử dụng các tia giống tia phóng xạ như tia X, tia gamma, người ta thu được những hình ảnh sắc nét, rõ ràng, giúp phát hiện và hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh đạt hiệu quả và độ chính xác cao.


Những thảm họa mang tên “hạt nhân”


Bên cạnh những ứng dụng có ích của chất phóng xạ, người ta lại luôn tìm cách khuếch đại mức năng lượng này lên. Vì vậy, chúng cũng đã gây ra những thảm họa mà lịch sử không bao giờ quên.


Thảm họa kinh hoàng đầu tiên của chất phóng xạ là hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản ở hai thành phố là Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Năng lượng hạt nhân và phóng xạ do nó tạo ra làm chết ngay 140.000 người ở Hiroshima và 74.000 người ở Nagasaki. Trong khi đó, gánh nặng ung thư do phóng xạ còn tồn tại dai dẳng đến ngày nay.



Thảm họa thứ hai là vụ nổ Nhà máy điện nguyên tử tại Chernobyl (Ukraine) năm 1986. Theo đánh giá của giới khoa học, thảm họa Chernobyl tương đương với vụ nổ của 500 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. 31 người bị chết trực tiếp trong vụ nổ và hàng trăm nghìn người khác phải sơ tán. Khoảng 600-800 nghìn binh lính, nhân viên cứu hộ và người dân Liên Xô đã trực tiếp tham gia khắc phục sự cố Chernobyl, trong đó, đa số họ đã bị nhiễm xạ và cho tới nay vẫn còn hàng trăm nghìn người phải điều trị thường xuyên.


Và năm 2011, thế giới lại chứng kiến sự cố nhà máy điện hạt nhân số 1 (Fukushima) của Nhật Bản.


Chưa tính tới những hậu quả ung thư hay bệnh tật, người ta biết rằng, cùng với sóng thần và động đất, tác hại hạt nhân và phóng xạ làm ít nhất 1,4 triệu người không có nước, hơn 500.000 người sống không có nhà. Đây thực sự là những thảm kịch mang tên phóng xạ.


Cho đến nay, việc ngăn chặn sự phát tán rộng của phóng xạ đang còn thách thức. Đứng trước những gì mà chất phóng xạ đã và đang làm được, việc nói công hay tội thật khó công bằng. Ở đây, vai trò của chất phóng xạ là cứu tinh hay là thảm họa của loài người, điều đó phụ thuộc vào cách hành xử của chính con người chúng ta.


Mặc dù ngày nay, chất phóng xạ vẫn đang được sử dụng nhưng người ta đã cảnh giác hơn rất nhiều với các chất phóng xạ trong tự nhiên cũng như nhân tạo. Còn các nhà khoa học thì vẫn miệt mài không ngừng nghỉ trong việc nghiên cứu các chất phóng xạ để tìm ra cách khai thác tối đa mặt có lợi và hạn chế những tác hại của chúng.



Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN


Thi đua là yêu nước
Thi đua là yêu nước

Cách đây 66 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN