Nhà báo - Chiến sĩ Đào Tùng

Lần đầu tiên tôi được ở gần và nói chuyện với Tổng biên tập Đào Tùng là cuối năm 1972, khi B52 Mỹ đánh Hà Nội. Trước đó tôi chỉ có dịp nhìn ông từ xa hoặc nghe ông nói chuyện trên hội trường.


Lần đầu tiên tôi được ở gần và nói chuyện với Tổng biên tập Đào Tùng là cuối năm 1972, khi B52 Mỹ đánh Hà Nội. Trước đó tôi chỉ có dịp nhìn ông từ xa hoặc nghe ông nói chuyện trên hội trường. Tôi rất ấn tượng với phong cách sôi nổi, năng động và khả năng tạo niềm hứng khởi cho người nghe bằng những tư duy mới mẻ, rất nhiều ý tưởng có tầm nhìn rất xa của người đứng đầu ngành.

Đầu tháng 11/1972, nhóm phóng viên chúng tôi từ mặt trận Quảng Trị được gọi ra Hà Nội. Tổng biên tập Đào Tùng, Phó TBT Đỗ Phượng gặp anh em ngay. Sự quan tâm chu đáo, ân tình của những người lãnh đạo cao nhất cơ quan làm ấm lòng người.


Chỉ vài tuần sau cuộc gặp đó, tôi có những ngày làm việc gần ông. Những cơ hội nghề nghiệp rất quý báu đối với tôi. Khi B52 Mỹ đánh Hà Nội, mặc dù đang trong thời gian được nghỉ, tôi tình nguyện giúp việc cho anh Nguyễn Xuân Ổn, trưởng phòng thư ký. Do làm việc ở đấy, tôi hay gặp các lãnh đạo ngành và có những buổi trực đêm với Tổng biên tập Đào Tùng. Những ngày ấy, buổi tối ông thường xuyên lên cơ quan để theo dõi công việc, trực tiếp xử lý thông tin. Tôi nhớ tác phong đọc và xử lý thông tin rất nhanh và cả nét chữ ký duyệt ở góc trái bản thảo của ông bằng một chữ D rất gọn.

Không ít lần trong những đêm đó, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội. Bom nổ ở nhiều nơi. Tên lửa, súng cao xạ sáng trời. Còi báo động thỉnh thoảng lại vang lên… Có những lúc tất cả mọi người trực đêm đều phải xuống căn hầm phòng không ở phía dưới, liền bên khu nhà in cũ, sát ngõ Phan Huy Chú. Xuống hầm, trong ánh đèn mờ, công việc vẫn tiếp tục. Một không khí làm việc rất khẩn trương nhưng cũng rất bình tĩnh. Tôi rất nhớ dáng đọc tin chăm chú của bác Đào Tùng, mái tóc bạc húi cua hơi nghiêng ngiêng, có lúc ông đưa tay lên bóp trán suy nghĩ, gương mặt chăm chú, đôi mắt rất tinh nhanh sau cặp kính. Có những lúc không có tin, ông ngả người ra ghế chợp mắt rất ngon lành, dù chỉ dăm phút. Phải là người có thần kinh rất tốt mới có thể ngủ như vậy. Cũng có những lúc rảnh rỗi, ông hỏi chuyện tôi về cuộc sống của anh em phóng viên những ngày ngoài mặt trận, những khó khăn gặp phải, những nguy hiểm qua mỗi chuyến chiến dịch, mỗi chuyến công tác.

Tôi rất bất ngờ khi biết ông có đọc một số bài viết của tôi như “Lòng dân Cửa Việt”, ”Trên vành đai điện tử” hoặc “Bích La Đông giải phóng”... Nhưng tôi nhớ nhất là điều ông dặn dò sau một lần từ hầm trú ẩn quay trở lên phòng làm việc trên tầng hai của Ban thư ký. Ông dặn bây giờ đang chiến tranh nhưng khi có điều kiện, tôi còn trẻ, cố gắng phải học, nhất là học ngoại ngữ để sau này theo được yêu cầu công việc! Tôi rất cảm động vì sự quan tâm của ông. Điều ấy đã động viên tôi rất nhiều. Tôi không bao giờ quên hình ảnh ông trong những ngày ấy: Đầu đội mũ sắt, cặp tài liệu bên vai, dáng điệu mạnh mẽ, quả quyết, tự lái chiếc xe máy Star hàng ngày đến cơ quan trong tầm bom đạn.

Đầu tháng 4/1975, tôi đang ở Huế sau khi vừa từ Đà Nẵng giải phóng trở về thì đoàn công tác của Tổng biên tập Đào Tùng trên đường vào chiến trường ghé qua. Trong đoàn còn có các anh Văn Bảo, Trần Mai Hạnh, Phạm Vỵ, Nguyễn Chí, Phạm Lộc… Tôi cũng chỉ vào Huế trước đó một tuần nhưng cũng được coi là “người cũ”. Tôi đưa ông và anh em trong đoàn đi thăm chùa Thiên Mụ, chợ Đông Ba… và một số nơi trong thành phố. Dù đoàn chỉ ở lại có một ngày, ông vẫn tranh thủ làm việc với anh em ở mặt trận Huế khi ấy, nắm tình hình và đưa ra các ý kiến chỉ đạo. Cũng rất bất ngờ khi chia tay, ông quàng vai tôi nói nhỏ:

- Anh Hoàng Tùng khen những bài Mai Hưởng viết về Huế và Đà Nẵng đấy! Công việc sẽ còn nhiều khó khăn nhưng cố gắng hoàn thành nhé!

Ít ngày sau, tôi cùng anh em trong tổ mũi nhọn cũng rời Huế tiến vào phía nam theo cánh quân phía đông theo chỉ thị của Tổng xã, một quyết định rất quan trọng trong chỉ đạo, mà tôi biết có sự trao đổi của ông với Ban lãnh đạo ngoài Hà Nội. Khi ấy tôi cũng không ngờ được găp lại ông và mọi người giữa Sài Gòn giải phóng và được làm việc trực tiếp với ông trong những ngày đầu giải phóng. Một số bài viết của tôi những ngày này đều được ông chỉ đạo và trực tiếp sửa, trong đó có bài tường thuật lễ ra mắt của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định (viết cùng anh Trần Mai Hạnh), “Ngày vui ở khu phố Bàn Cờ”, ”Đất thép nở hoa”, ”Thăm Vũng Tàu giải phóng”, ”Nổi dậy từ hầm sâu Côn Đảo”… Tôi nhớ một nhận xét ông ghi bên lề một lần đọc bài: “Còn thiếu những chi tiết có sức động viên mạnh”. Đấy là một trong những bài học về nghề đối với tôi. Sau đó, ông quyết định cử tôi ở lại làm việc trong phân xã VNTTX tại Sài Gòn sau giải phóng.

Tháng 11/1978, tôi được cử trong đoàn chuẩn bị giúp thành lập thông tấn xã Campuchia SPK. Trong buổi gặp anh em trước khi đi, ngoài công việc, bác Đào Tùng quan tâm đến nguyện vọng, hoàn cảnh riêng của từng anh em. Khi biết vợ tôi dạy học xa nhà, con còn nhỏ, ông đã đề nghị phòng tổ chức cán bộ liên hệ để giúp cho vợ tôi được chuyển về gần nhà. Sự quan tâm chu đáo ấy khiến tôi rất cảm động.

Trong thời gian ở Campuchia cũng như sau này về công tác tại Ban tin trong nước hoặc Báo Ảnh Việt Nam, trong những lần gặp gỡ ít ỏi, tôi vẫn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của ông trong công việc. Năm 1986, tôi rất bất ngờ nhận được quyết định do ông ký cử học dài hạn tại Matxcova. Năm 1990, tôi vừa về nước thì ông đã lâm trọng bệnh và ra đi…

Chặng đường nhà báo Đào Tùng lãnh đạo hãng thông tấn quốc gia trải dài 1/4 thế kỷ,1965-1990, từ chiến tranh sang hòa bình là một thời kỳ lịch sử rất quan trọng của đất nước và của TTXVN.

Hãy thử hình dung khối lượng công việc khổng lồ mà ông và các cộng sự thực hiện trong thời gian ấy: Bảo đảm công tác thông tin của toàn ngành nhiều năm không ngưng nghỉ, trong điều kiện rất khó khăn, ác liệt khi cuộc chiến tranh lan rộng trên cả hai miền Nam - Bắc, trên các chiến trường với nhiều chiến dịch lớn, nhiều sự kiện lớn mà đỉnh cao là Mùa xuân 75 lịch sử. Thống nhất và đổi mới hoạt động của toàn ngành trong điều kiện khó khăn sau hòa bình cho đến những năm đầu Đổi Mới để TTXVN vươn lên ngang tầm yêu cầu của thời kỳ mới… Khi đó ông có các cộng sự rất đắc lực như các Phó TBT Hoàng Tư Trai, Trần Thanh Xuân, Lê Chân, Đỗ Phượng ở miền Bắc, TBT TTXGP Vũ Linh và Ban lãnh đạo TTXGP ở phía Nam - Một Thế hệ lãnh đạo Vàng của ngành trong thời kỳ lịch sử đó.

Nhưng trên cương vị người đứng đầu, nhà báo Đào Tùng, bằng tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh, tâm huyết của mình, là người đứng mũi chịu sào, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã cùng ban lãnh đạo ngành xác định những định hướng chiến lược quan trọng nhất cho từng thời kỳ, làm rất tốt công tác tổ chức trên các địa bàn rộng lớn, quan tâm đến công tác cán bộ, chuẩn bị và rèn luyện đội ngũ, cũng như các công tác kỹ thuật, hậu cần… Về công tác tư tưởng, ông và tập thể ban lãnh đạo qua thực tiễn công tác, bằng chính tấm gương của mình đã tạo niềm tin, sự hứng khởi cho cả một đội ngũ vượt bao gian khổ hy sinh, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử đặt ra. Một nền tảng cơ bản tạo nên những giá trị ấy của TTXVN được hình thành trong thời kỳ lãnh đạo của ông suốt 25 năm không ngưng nghỉ.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập TTXVN và cũng là 25 năm ngày ông đi xa, xin một lần nữa bày tỏ lòng tưởng nhớ, tiếc thương và sự kính trọng đối với ông, nhà báo - chiến sĩ Đào Tùng!
Trần Mai Hưởng
Tự hào chặng đường 70 năm Thông tấn xã Việt Nam
Tự hào chặng đường 70 năm Thông tấn xã Việt Nam

Sáng 15/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 – 15/9/2015) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ hai).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN