Báo chí có vai trò ghi lại lịch sử và những người làm báo được coi là người viết sử đương đại. Vì vậy, trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, những người làm báo Việt Nam, trong đó có đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN, đã thực sự là những nhà báo - chiến sĩ. Họ đã dũng cảm xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bằng ngòi bút, máy ảnh, máy quay,… và bằng cả vũ khí, tiếp sức cho đồng đội của mình ở hậu phương để TTXVN dõng dạc tuyên bố: Chúng tôi là một thông tấn xã ở tuyến đầu chiến tuyến.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm phòng tin, ảnh của VNTTX ngày 14/2/1967. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
1. “Thông tấn xã Việt Nam ở tuyến đầu chiến tuyến” - tôi nói điều này năm 1995, khi đó TTXVN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Trong chặng đường 50 năm đầu tiên của mình, Thông tấn xã đã có đến 30 năm phục vụ chiến tranh giải phóng dân tộc. Một cơ quan thông tấn có đến một phần năm số cán bộ thời chiến hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Đã có người hỏi tôi điều gì là khó khăn nhất đối với một lãnh đạo TTXVN thời chiến. Tôi trả lời rằng không chỉ với riêng bản thân tôi, điều khó khăn nhất đối với bất kỳ ai trong Ban Lãnh đạo TTXVN thời kỳ đó là việc cầm tờ giấy báo tử của các nhà báo liệt sĩ tới trao cho gia đình của họ.
Ngay từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Hà Nội đến Việt Bắc, ở Sài Gòn hay ở đâu cũng có mặt phóng viên, nhân viên kỹ thuật của TTXVN (lúc đó gọi là VNTTX). Nhà báo đầu tiên của TTXVN ngã xuống là đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông tin phụ trách VNTTX, hy sinh ngày 3/3/1947. Ngày nay, tên anh đã được đặt cho một tuyến phố ở Hà Nội. Ở miền Nam, ngay sau năm 1954, nhiều nhà báo của TTXVN từ giữa lòng Sài Gòn và các cứ điểm khác đã thu tin phục vụ lãnh đạo, viết tin gửi ra Hà Nội tố cáo tội ác của Mỹ, ngụy. Sau khi Thông tấn xã Giải phóng ra đời năm 1960, không một nơi nào ở miền Nam không có tổ chức TTXGP. Hàng trăm phóng viên, nhân viên kỹ thuật TTX đã ngã xuống. Có nhiều phân xã nhiều lần bị địch giết hại hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn, phân xã mới lại được tổ chức, rồi lại hy sinh. Phân xã TTXGP Nam Tây Nguyên là một trong những điển hình chịu đựng mọi gian khổ (đau ốm, đói khát), độc lập chiến đấu, bắn rơi trực thăng địch. Tại đó, cả 5 anh em đã hy sinh một lần trên đường làm nhiệm vụ, chỉ còn chiếc máy thu phát tin tuy bị hư hại, vẫn được sử dụng tiếp sau này.
Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (19), hàng chục cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật thông tấn từ Quảng Trị đến Cà Mau đã hy sinh. Chỉ riêng Phân xã Sài Gòn - Gia Định, 12 đồng chí đã ngã xuống. Ở Long An, cửa ngõ Sài Gòn, 7 đồng chí hy sinh, trong đó 3 đồng chí cùng hy sinh trong một căn hầm. Long An cũng là một phân xã ba lần bị địch giết hại toàn bộ. Phân xã TTXGP Cực Nam Nam Bộ (Rạch Giá) 5 lần bị xóa sổ. Có lần cả phân xã vừa phát tin xong thì địch phát hiện, cả 3 đồng chí đều hy sinh. Có lần đang phát tin thì địch dùng cả trực thăng lẫn bộ binh đến dàn quân đánh vào phân xã, cả 5 đồng chí bị giết, bị bắt và bị thương. Trận càn 70 ngày của Mỹ vào Bá Hòn - Hòn Đất rất ác liệt, 2 đồng chí ngã xuống (mà tài liệu vẫn gửi được ra căn cứ) cùng chị Sứ trong truyện Hòn Đất của nhà văn Anh Đức (tức liệt sĩ Phan Thị Ràng).
Trong trận càn Gianxơn Xity, có đồng chí được phân công giữ căn cứ đã chiến đấu anh dũng, bắn cháy 2 xe bọc thép của địch trước lúc hy sinh như Trần Ngọc Đặng. Có gia đình hai cha con hy sinh cho sự nghiệp thông tấn như đồng chí Huỳnh Bỉnh Khôi và con là Huỳnh Văn Dũng, đều là phóng viên nhiếp ảnh. Có gia đình cả hai anh em cùng hy sinh như Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn. Có phân xã ở Nam Bộ hy sinh 21 người, nhưng nhiều thi hài đến nay vẫn chưa tìm được. Nhà báo - liệt sĩ Đinh Thúy (Phó Chủ nhiệm Phân xã nhiếp ảnh TTXVN, Phó Giám đốc TTXGP) mà tên thực của anh là Bùi Đình Túy đã được đặt cho một đường phố và một cây cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thi hài của anh cũng như nhiều đồng chí khác không thể thu lượm được. Anh đã vĩnh viễn hóa thân vào mảnh đất phương Nam.
Không thể kể ra hết tên tuổi và sự hy sinh của hơn 260 nhà báo liệt sĩ TTXVN trong khuôn khổ bài viết này. Có thể nói, trong suốt các cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt, không nơi nào vắng mặt phóng viên TTXVN. Không chỉ trên chiến trường B, C, K, đội quân thông tấn còn có mặt tại các tỉnh miền Bắc và đặc khu Vĩnh Linh, cả Phân xã Nam khu 4 và tổ phóng viên đường 9 Nam Lào, và những phân xã đặc biệt mang ký hiệu B3, B4. Tất cả đã thực sự trở thành những chiến binh báo chí theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Các phân xã ở miền Bắc vừa công tác tại chỗ, vừa sẵn sàng nhận lệnh bổ sung cho các chiến trường miền Nam. Ngay tại miền Bắc, họ cũng là những chiến sĩ quả cảm để có tin, ảnh kịp thời. Lúc máy bay địch bắn phá lại không phải là lúc họ vào hầm trú ẩn, nhất là phóng viên ảnh. Đã có tổn thất về người và kỹ thuật trong những trận bom B52 và tại những địa bàn ác liệt.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, các tổ phóng viên tin, ảnh, kỹ thuật với con số cả trăm người lần lượt lên đường, đi khắp các chiến trường miền Nam. Chiến dịch Buôn Ma Thuột vừa mở màn, người đứng đầu cơ quan thông tấn cùng một lực lượng phóng viên giỏi lập tức lên đường chi viện cho TTXGP. Toán quân “dốc túi” (tổ xung kích cuối cùng) từ mặt trận Huế được lệnh vào thẳng Sài Gòn. Và chính họ đã trở thành những phóng viên tin, ảnh trên đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc lập, ghi nhận tin tức và hình ảnh đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh.
Sẽ là thiếu sót khi nói về TTXVN mà không nói đến đội ngũ biên tập, kỹ thuật viên, những người giao liên và lái xe. Tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt và 44 Tăng Bạt Hổ luôn sáng điện cả 24 giờ trong ngày, cùng cơ sở kỹ thuật T6B (Quốc Oai, Hà Tây trước đây, nay là Hà Nội) đã nhiều lần cứu nguy cho trụ sở, đặc biệt trong những ngày B52 đánh Hà Nội. Các nguồn tin từ chiến trường và nước ngoài được khai thác công phu và cẩn trọng. Chính ở nơi đây thể hiện rõ nét nhất niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng và đôi khi cả sự đăm chiêu tính toán. Niềm vui không chỉ là tin chiến thắng mà đôi khi là một thông tin từ phương Tây hé lộ âm mưu mới. Có những tin được khai thác nhanh nhất và đưa đến địa chỉ cần thiết sớm nhất, thường đó là thông tin về máy bay B52 vừa xuất kích từ sân bay Guam. Cấp trên có thể thông báo đến những địa bàn cần thiết, có khi sớm được từ một đến ba giờ. Trong chiến tranh, chỉ năm, mười phút cũng có khi là vô giá.
Còn sự đăm chiêu tính toán ư. Đó là sự cần thiết phải vận dụng trí tuệ để đánh giá, thẩm định nguồn tin. Tin giả hay thật. Báo cáo hay không báo cáo cấp trên. Báo cáo có tính thẩm định hay vừa báo cáo vừa nêu rõ những điều nghi vấn cần thẩm định. Thật dễ hiểu khi người ta thấy nhiều lần trong đêm tối các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Lê Văn Lương, Tố Hữu và nhiều đồng chí lãnh đạo khác đến các cơ sở của TTXVN. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư Lê Văn Lương đã từng dành cả ngày ở TTXVN, và đồng chí đã nói với lãnh đạo TTXVN: "Nguồn tin của các anh quan trọng lắm. Bộ Chính trị coi đây là nguồn tin chiến lược, bổ sung và thẩm định các nguồn tin riêng của Trung ương, giúp Đảng hoạch định quyết sách đúng trong chiến tranh”. Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông thường đến TTXVN vào thời điểm trước các trận đánh lớn vào các năm như 1964 - 1965, Xuân Mậu Thân 19, Quảng Trị 1972 và cuộc tiến công chiến lược tháng 3/1972.
Lại một lần nữa tôi phải khẳng định rằng để nói về nhiệm vụ và đóng góp của TTXVN trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, cần nhiều thời gian và rất nhiều trang giấy, khuôn khổ bài viết này không cho phép tôi nói được hết những gì mình muốn. Nhưng có một điều mà tôi không bao giờ quên về đội ngũ cán bộ của TTXVN thời chiến. Đó là TTXVN có được một đội ngũ cán bộ đoàn kết, thống nhất và năng nổ, nhiệt tình hiếm có. Đội ngũ cán bộ ấy chỉ biết lao vào công việc, dù khó khăn đến mấy. Tôi chưa bao giờ nhận được lời từ chối nào, dù họ được cử ra những chiến trường ác liệt nhất. Họ thực sự là những tấm gương về đức hy sinh, sự tận tâm với nghề, cần cù và sáng tạo, để TTXVN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
2. Từ những vinh dự, tự hào của của ngày hôm nay, tôi muốn nhắc lại những ngày ban đầu của TTXVN. Ngày 23/8/1945, Phòng thu tin của Sở Thông tin Pháp - Nhật đã được chuyển ngay thành cơ sở thu tin của cách mạng, phục vụ lãnh đạo, phục vụ báo chí. Chính cơ sở nhỏ bé đó đã rời Hà Nội đi phục vụ kháng chiến, trở thành nguồn tin chủ yếu nhận từ nước ngoài, kết nối các liên khu và Nam Bộ. Đầu năm 1948, địch phát hiện tín hiệu đài phát sóng của TTXVN, đưa quân càn quét. TTXVN thường xuyên phải di chuyển. Nhiên liệu, vật liệu phục vụ việc thu phát thông tin phải chuyển từ vùng địch hậu rất khó khăn, nhưng TTXVN vẫn đảm bảo việc thu tin đầy đủ, mở rộng các đường liên lạc với các khu kháng chiến trong cả nước, phát tin phục vụ lãnh đạo, cho các báo, đài và phát tin ra thế giới.
Từ giữa tháng 2/1949, TTXVN đã thu được tin của Hãng TASS (Liên Xô trước đây, nay là LB Nga), Tân Hoa xã (Trung Quốc), tiếp tục thu tin của Hãng AFP (Pháp) phát đi từ Paris và Sài Gòn và các đài lưu động ở các chiến trường bằng máy Schenel một đèn. Cuối năm 1949, với chiếc máy phát do các kỹ thuật viên tự thiết kế và lắp ráp, TTXVN đã phát tin và liên lạc được với Hà Nội và các Liên khu III, IV, V, Nam Bộ; liên lạc với các điện đài lưu động ở các chiến trường, đồng thời nhận tin của bộ phận biệt phái của TTXVN ở Bangkok (Thái Lan) và Yangon (Myanmar). Cũng không ai dám nghĩ rằng trong lúc chiến tranh chống Mỹ ở giai đoạn ác liệt, những người làm thông tấn từ xây dựng cơ sở điện báo tự động thành công ở căn cứ, giữ vững liên lạc giữa VNTTX và TTXGP, lại tiến luôn đến thu phát ảnh vô tuyến (telephoto) và nhận truyền báo cả trang từ Hà Nội vào căn cứ.
TTXVN đã chuẩn bị năng lực sẵn sàng đến 300% để đáp ứng mọi tình huống chiến tranh. Ngoài trụ sở chính ở số 5 Lý Thường Kiệt trên nền một tầng hầm kiên cố để có thể duy trì hoạt động, TTXVN còn xây dựng 3 cơ sở gồm T6 (Quốc Oai, Hà Tây trước đây, nay là Hà Nội), T7 (Hòa Bình) và T8 (Tuyên Quang). Dù gặp vô vàn khó khăn trong chiến tranh, nhưng TTXVN không bao giờ để dòng thông tin của mình bị ngưng trệ. Tôi vẫn nhớ như in vụ máy bay B52 của Mỹ ném bom Hà Nội tháng 12/1972 đã làm toàn bộ thiết bị ở số 5 Lý Thường Kiệt bị nhiễu. Tuy nhiên, cơ sở dự phòng T6 đã lập tức thu phát thông tin thay thế trụ sở chính.
Chỉ bằng những phương tiện kỹ thuật truyền thông còn thiếu thốn, TTXVN đã dõng dạc nói lên với toàn thế giới lập trường đúng đắn của Đảng và Chính phủ, quyết tâm sắt đá của nhân dân ta chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng vì độc lập tự do. Cả loài người tiến bộ đã lắng nghe và ủng hộ chúng ta chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
3. Ôn cố tri tân - ôn lại cái cũ để biết cái mới, hiểu những gì đã qua để biết rõ hơn về hiện tại. Đó là suy nghĩ và tâm trạng của tôi trong những ngày này. Để có được những dòng tin và hình ảnh phản ánh kịp thời tình hình chiến sự, hơn 260 nhà báo của TTXVN đã mãi mãi ra đi, nhiều nhà báo để lại một phần cơ thể mình ở chiến trường và có những người mang trong mình bệnh tật do phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Sự hy sinh của thế hệ đi trước luôn được trân trọng bởi họ là tấm gương cho các thế hệ làm báo kế cận về bản lĩnh nghề nghiệp, đức hy sinh và lòng yêu nghề.
Có bạn trẻ hỏi tôi muốn nhắn nhủ điều gì với những người làm báo trẻ của TTXVN hôm nay, tôi cho rằng tác nghiệp báo chí trong thời chiến và trong thời bình có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng có những điểm khác nhau. Tinh thần làm việc, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp thì không có gì thay đổi, nhưng phương pháp, cách làm ở mỗi thời một khác. Trong môi trường bùng nổ thông tin hiện nay, nhà báo gặp khó khăn hơn do chịu cạnh tranh lớn hơn, đòi hỏi sự chủ động hơn, thường xuyên cập nhật kiến thức, không ngừng tìm hiểu về công nghệ mới để bắt kịp thời đại, và phải xây dựng cho mình những mối quan hệ rộng rãi. Ở thời nào cũng vậy, nhiệm vụ của nhà báo luôn gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Làm báo vừa phải đảm bảo tính chân thực, song cũng luôn phải đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia. Người làm báo phải luôn tiếp cận với những vấn đề của thời cuộc, mà cuộc sống thì biến đổi không ngừng. Một nhà báo nổi tiếng, một cây bút giỏi có khi lại trở nên lạc lõng khi tiếp cận một vấn đề mới mà mình chẳng biết gì về nó. Vì thế, việc học và tự học của người làm báo luôn là vô hạn.