Nữ ca sĩ Ánh Tuyết góp mặt với ba ca khúc nổi tiếng là Hòn vọng phu 2, Đêm tàn bến Ngự và liên khúc Tuổi thơ – Thằng Cuội. Ảnh: Hoàng Trọng |
Nữ ca sĩ bật khóc khi nhớ lại lần đi tìm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Chị kể, vào cuối năm 1993, lúc đó chị thực hiện album Cung đàn xưa, trong đó có 3 ca khúc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ánh Tuyết đi tìm nhạc sĩ để gởi tiền tác quyền nhưng không biết ông đang ở đâu. Chị dò hỏi Hội nhạc sĩ, các hãng băng đĩa, hầu như ai cũng không biết mặc dù ông đang còn sống.
Tình cờ Ánh Tuyết gặp một nhà thơ và được ông dẫn đến nhà nhạc sĩ. Căn nhà của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nằm trên một con hẻm nhỏ đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) bên cạnh một ngôi chùa.
Hậu trường nữ ca sĩ Ánh Tuyết trong chương trình Sol vàng phát sóng tối ngày 8/4. Ảnh: Hoàng Trọng |
Ánh Tuyết khá bất ngờ khi gặp ông. “Ở tuổi 82 nhưng ông là con người rất cốt cách, từ lời ăn tiếng nói cho đến cách đối nhân xử thế. Ánh Tuyết bất ngờ là căn nhà của ông không có một cái gì, ngoài tài sản lớn nhất là chiếc tivi 14 inch trắng đen được ông bảo quản rất kỹ bằng cách lấy thùng các-tông úp lên”, chị nghẹn ngào kể.
Đó là thời điểm cận Tết, ông và gia đình khó khăn về mọi mặt. Ánh Tuyết cho biết, chị gởi tiền tác quyền theo quy định nhà nước cho thu băng cassette lúc đó là 500.000 đồng một bài hát. Ông vui mừng nói đây là một món quà lớn cho gia đình. Ca sĩ Ánh Tuyết thắc mắc là các bài hát của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước được thu âm, trình diễn và phát hành rất nhiều trên các băng đĩa, chương trình nhưng không ai biết nhạc sĩ đang ở đâu.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng chia sẻ là ông có đi đến hãng băng đĩa nhưng người này chỉ qua người kia, người kia chỉ qua người nọ và cuối cùng ông ra về tay không.
Clip Ánh Tuyết nghẹn ngào chia sẻ về lần đầu gặp nhạc sĩ Dương Thiệu Tước:
Trong câu chuyện kể của mình, ca sĩ Ánh Tuyết còn bày tỏ lòng kính trọng đối với nhạc sĩ Lê Thương. Chị cho biết: “Lê Thương là một nhạc sĩ viết các bài trường ca về lịch sử đất nước, kể chuyện đất nước bằng âm nhạc. Đến giờ này, chỉ có một mình Ánh Tuyết làm album nhạc Lê Thương mang tên “Thằng Cuội”. Ánh Tuyết mong rằng Sol Vàng sẽ ghi dấu trong lòng khán giả một điều gì đó thật hạnh phúc. Âm nhạc sẽ làm chúng ta lắng đọng lại và đem tâm hồn chúng ta gần lại với nhau".
Bên cạnh giọng ca Ánh Tuyết, đêm nhạc Sol Vàng Lê Thương và Dương Thiệu Tước còn có sự góp mặt của danh ca Họa Mi. Chị bộc bạch: "Trong đêm nhạc tôn vinh con đường âm nhạc của hai vị nhạc sĩ tài hoa, Họa Mi sẽ hát hai ca khúc là “Tiếng xưa” và liên khúc “Bóng chiều xưa – Chiều” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ca từ trong các ca khúc của Dương Thiệu Tước rất đẹp. Họa Mi nghĩ rằng những sáng tác của họ rất có giá trị. Khán giả nghe sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng, có chiều sâu, ẩn chứa tình cảm man mác".
Ca sĩ Họa Mi cũng góp mặt trong chương trình Sol vàng phát sóng tối ngày 8/4. Ảnh: Hoàng Trọng. |
Là một ca sĩ trẻ nhưng Nguyễn Phi Hùng rất yêu thích các bài hát xưa. Anh cho biết: "Nói đến những ca khúc của nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là những bài hát đã đi cùng năm tháng. Trong kí ức của Phi Hùng, những bài hát này còn gắn liền với tuổi thơ của mình. Đặc biệt khi hát trường ca “Hòn vọng phu”, Phi Hùng luôn có sự thấu hiểu tình cảm mà nhạc sĩ Lê Thương đặt vào bài hát. Một hình ảnh người phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu khó và chung thủy". Trong chương trình Sol Vàng, anh sẽ trình diễn một trường ca rất hùng hồn, bi tráng là "Hòn vọng phu", hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Nam ca sĩ Hoàng Phi Hùng. Ảnh: Hoàng Trọng |
Chương trình Sol Vàng còn giới thiệu đến khán giả những ca khúc nổi tiếng khác của hai nhạc sĩ Lê Thương và Dương Thiệu Tước như: "Bản đàn xuân", "Bến xuân xanh", "Ơn nghĩa sinh thành", “Ngọc Lan”, “Thuyền mơ”... qua các giọng ca Randy, Thùy Dương, Thụy Vân.
Sol Vàng do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện. Chương trình do Hòa Yên đạo diễn, Minh Đức - Quốc Quân biên tập và dẫn chuyện: nhà báo Minh Đức.