Ca sĩ Hồ Trung Dũng với "Ngày về". |
Sáng tác cách đây đúng 70 năm trong một chuyến nhoáng khi nhạc sĩ Hoàng Giác trên đường công tác khi đi kháng chiến, “Ngày về” là nỗi lòng của kẻ đi xa nhớ về tổ ấm gia đình. Quê hương là cảm xúc khi đi qua những vùng quê trong kháng chiến chống Pháp… Tất cả đều là những nỗi niềm tâm sự của ông với cuộc đời. Mỗi một người đều có thể tìm thấy trong đó những hình ảnh muốn hướng về.
Tuy nhiên, “Ngày về” có một số phận khá đặc biệt mà phải đến năm 1990, ca khúc mới được “minh oan” và trở lại đời sống âm nhạc trong nước, mang đến cho khán giả những giai điệu thân thương của hai tiếng “quê hương”.
Hồ Trung Dũng thể hiện “Ngày về” trong Giai điệu tự hào tháng 12 trong một không gian âm nhạc đậm chất jazz đầy cảm xúc. Anh chia sẻ mình đã biết đến ca khúc này từ lâu và trên sân khấu của Giai điệu tự hào, anh thể hiện nó một cách tự nhiên như chính tình cảm của mình. Nhạc sĩ Phó Đức Phương dành lời khen tặng cho phần thể hiện của Hồ Trung Dũng: “có dụng công, dụng ý, dụng tâm. Phần thể hiện này chạm đến trái tim của người nghe”.
Trọng Tấn và Tùng Dương với bản mashup. |
Cách đây nhiều năm, ca sĩ Trọng Tấn và Tùng Dương đã xây dựng tên tuổi cho mình bằng hai ca khúc “Tiếng đàn bầu”, “Quê nhà” trong cuộc thi về âm nhạc uy tín nhất thời đó: Tiếng hát truyền hình/Sao Mai. Kể từ đó, hai ca khúc này gắn liền với Trọng Tấn, Tùng Dương và đưa họ trở thành tên tuổi hàng đầu trong dòng nhạc mình theo đuổi.
Trong Giai điệu tự hào tháng 12, nhạc sĩ Thanh Phương đưa ra một thể nghiệm táo bạo khi thử ghép hai ca khúc tưởng chừng như khác biệt trong một bản mashup nhuần nhuyễn. Đặc biệt hơn, trong phần thể hiện này, Tùng Dương thể hiện “Tiếng đàn bầu” trong khi Trọng Tấn trình bày “Quê nhà”. Theo nhà báo Hồng Thanh Quang, hai giai đoạn lịch sử, hai tầng văn hóa khác nhau được phối mới và thể hiện qua hai giọng ca đỉnh cao khiến anh có cảm giác như đó là một bài hát trọn vẹn.
Trọng Tấn và Tùng Dương đưa “Quê nhà” và “Tiếng đàn bầu” lên sân khấu của Giai điệu tự hào như một cuộc đối thoại giữa cái riêng (quê nhà) và cái chung (quê hương). Đó cũng như khúc hát ru quê nhà đã hòa vào tiếng nói chung của toàn dân tộc.
Thảo Trang với "Quê hương tuổi thơ tôi". |
"Quê hương tuổi thơ tôi” là là một trong những bài hát cố nhạc sĩ Từ Huy yêu thích nhất. Trong những giây phút cuối đời của mình tại bệnh viện Từ Dũ, người ta vẫn nghe thấy ông lẩm nhẩm câu hát "ngày ấy đâu rồi ngày ấy đâu rồi” bởi dường như đó là tiếng lòng, là nỗi nhớ của những người con xa quê với những ký ức sống động. Những ký ức đó sống động đến mức mà dù nhạc sĩ viết về quê ông, Quảng Nam nhưng nó đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho mọi miền quê trên khắp đất nước để mỗi khi bài hát cất lên, ai cũng ngỡ như đang hát về quê hương mình.
Trong chương trình lần này, ca sĩ Thảo Trang là người thể hiện ca khúc.
Bảo Trâm với "Trở về dòng sông tuổi thơ". |
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp được biết đến là một bậc thầy phổ nhạc cho thơ, từ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Lá đỏ”, cho tới “Ngọn đèn đứng gác”,... Nhưng khán giả sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu biết rằng ca khúc “Trở về dòng sông tuổi thơ” là ông phổ nhạc cho cả một cuốn tiểu thuyết: “Dòng sông thơ ấu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một người bạn thời niên thiếu của ông. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho biết, ông đã sáng tác ca khúc này 7-8 năm trước khi đưa nó đến với công chúng bởi ban đầu ông muốn dành riêng cho mình ngân nga.
Kể từ khi vô tình lọt ra ngoài, “Trở về dòng sông tuổi thơ” với âm hưởng dân ca da diết cùng những câu hát như nói hộ tâm can mỗi người đã trở thành một tuyệt phẩm gắn bó với nhiều thế hệ ca sĩ: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà…”. Ca khúc do ca sĩ Bảo Trâm thể hiện.
Lân Nhã với "Lối cũ ta về". |
“Lối cũ ta về” được nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác dành riêng cho Hà Nội, nơi mà ông luôn yêu bằng một tình yêu đặc biệt - nơi có những con người ông yêu, nơi gắn với quãng thời gian, kỷ niệm đẹp đẽ của ông. Nhưng miền quê Hà Nội ấy khác với những miền quê trong các ca khúc khác, bởi đó là hình ảnh thị thành với gam màu nâu trầm của mái ngói xô nghiêng, góc phố rêu phong và những con đường đong đầy kỉ niệm.Với rất nhiều người có may mắn sinh ra và lớn lên ở thủ đô, Hà Nội là chốn quê thật đặc biệt. Ca khúc do ca sĩ Lân Nhã thể hiện.
Ca sĩ Thu Phương với "Mong về Hà Nội". |
Những năm 90 của thế kỉ trước, còn gắn liền với một hình ảnh khác- một hình ảnh thị thành với gam màu nâu trầm của mái ngói xô nghiêng, góc phố rêu phong và những con đường đong đầy kỉ niệm. Với rất nhiều người sinh ra hoặc lớn lên ở Hà Nội, quê hương ấy là một nơi thật đặc biệt mà khi đi xa, họ cảm thấy “thèm” được co ro trong cái lạnh, nhớ mùa thu Hà Nội đến mức bơ vơ... Một Hà Nội hiện lên với những thi ảnh đầy tinh tế trong ca khúc “Mong về Hà Nội” của nhạc sĩ Dương Thụ.
Ca sĩ Thu Phương, dù không sinh ra tại Hà Nội nhưng với tâm thế của một người con đi xa, chị nhớ về Hà Nội như là hình ảnh biểu tượng cho quê hương, đất nước mình. Những năm tháng sống ở nước ngoài, chị luôn nhớ da diết gió lộng sông Hồng, nhớ cái lạnh đầu đông bởi đó là những khoảng thời gian khó khăn nhất trong ký ức của chị.
Đặc biệt, ở giữa ca khúc có một phần giãn tấu với những lời tự sự không phải của nhạc sĩ Dương Thụ mà là của chính Thu Phương và của những người con Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài vẫn luôn một lòng hướng về quê hương.
Nhóm Oplus với "Quê hương tình yêu và tuổi trẻ". |
Bài hát “Quê hương tình yêu và tuổi trẻ” được sáng tác năm 1976, là giai đoạn nhạc sĩ Quốc Dũng ít sáng tác mà chỉ chuyên đặt lời Việt cho các ca khúc của Liên Xô, CHDC Đức nhưng cũng có một bài hát rất được yêu thích trong giới trẻ và lan sang tận Đông âu và Trung Á: “Gió chiều, rung nhẹ bông lúa vàng. Đồng quê ngát hương đang êm ru muôn âm thanh dịu dàng...”.
“Quê hương tình yêu và tuổi trẻ” mang trong mình sự tươi sáng hiện đại với lời hát rất Tây, như một cái nhìn “đi trước thời đại” của nhạc sĩ Quốc Dũng; do nhóm Oplus thể hiện.