Đến với nghệ thuật tuồng một cách “bất đắc dĩ”, nhưng trong quá trình học tập, NSƯT Hương Thơm (Nhà hát tuồng Việt Nam) đã bị những câu ca, điệu vũ của môn nghệ thuật này “bỏ bùa”.
Đến nay, chị đã có 30 năm gắn bó, cống hiến cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này, và tên tuổi của chị đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật này.
Trúng tuyển “bất đắc dĩ”
Sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo bên dòng sông Bưởi của huyện Vĩnh Lộc – Thanh Hóa, từ nhỏ, Hương Thơm đã nổi tiếng là cô bé có giọng hát ngọt ngào.
Năm 16 tuổi, trong một lần giúp cha mẹ gánh thóc lên huyện đóng thuế, thấy đoàn tuồng Bắc Trung ương tuyển diễn viên, vì tò mò nên Thơm cũng chen vào xem.
Một cô văn công ra mời vào thi tuyển, nhưng Hương Thơm đã trả lời không chút ngần ngại: “Cháu không biết hát tuồng” và đi về nhà.
Hôm sau, Thơm và các bạn có việc đi qua đó, lại ghé vào xem, NSND Tiến Thọ (khi đó còn là một nghệ sỹ rất trẻ trong đoàn đi tuyển diễn viên) trông thấy đã ra động viên vào thi tuyển, các bạn cũng đồng thời đẩy vào, vậy là Thơm vào dự thi và trúng tuyển ngay vòng 1.
Biết tin trúng tuyển rồi, Thơm vẫn không có ý định đi hát tuồng, phần vì bản thân không thích, phần khác vì gia đình không có ai theo nghệ thuật, nếu đi học, sẽ phải xa nhà…
Vậy là NSND Tiến Thọ đã hỏi địa chỉ và xuống tận nhà động viên mãi, bố mẹ mới đồng ý và cho Thơm đi thi tuyển vòng 2. Thế rồi cuối năm 1979, một nghệ sỹ của nhà hát đã về đón Thơm lên Hà Nội.
Vốn chưa biết chút gì về tuồng, nên khi bắt đầu học, Thơm thấy rất khó. Không chỉ hát khó, mà múa, diễn cũng rất khó. Nhưng vốn có năng khiếu, cùng với những nỗ lực của bản thân, chị đã học và trở thành 1 trong 5 học sinh giỏi nhất lớp.
Năm 1983 ra trường, đang rất hào hứng là sẽ mang hết những vai diễn mà mình đã được học để đi diễn phục vụ nhân dân thì chị lại nhận được thông báo chuyển sang đoàn tuồng Nam Trung ương
Vậy là lại bắt đầu cuộc đời học sinh đi học lại, may mắn được những nghệ sỹ nổi tiếng như NSND Đàm Liên, Kim Cúc truyền dạy nên chị tiến bộ rất nhanh. Cũng chính ở đoàn tuồng Nam Trung ương, chị đã gặp nghệ sỹ Lưu Ngọc Nam và se duyên cùng anh.
Năm 1987, hai đoàn tuồng Bắc – Nam sát nhập thành Nhà hát tuồng Việt Nam, chị lại trở về nơi cũ. Những thay đổi ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của chị. Nhưng những khó khăn ấy không làm nản lòng một người nghệ sỹ trong chị.
Trưởng thành từ “cánh gà” sân khấu
So với các bộ môn nghệ thuật khác như chèo hay cải lương… thì hát tuồng là loại hình nghệ thuật cổ truyền vừa khó thích vừa khó hát. Với nghệ sỹ Hương Thơm cũng vậy. Lúc đầu chị cũng chưa thực sự yêu tuồng, chỉ thấy học tuồng khó quá.
Vũ đạo, cách hát, cách điệu của tuồng… đều đòi hỏi người nghệ sỹ phải lao động hết mình.
NSƯT Hương Thơm trong một vai diễn. |
Nghệ sĩ tâm sự: “Không phải ai nghe hát tuồng xong cũng có thể bắt chước được, và để múa đúng một bộ tuồng tròn trịa cũng không hề dễ dàng chút nào.
Ngôn ngữ trong nghệ thuật tuồng đòi hỏi người nghệ sỹ vừa phải hát bằng lời, vừa phải dùng vũ đạo, dùng ngôn ngữ hình thể của mình để diễn đạt cho người xem hiểu ý nghĩa của vở diễn, vai diễn”.
Đó là nét độc đáo nhất của nghệ thuật tuồng, nhưng cũng là khó khăn nhất đối với nghệ sỹ tuồng. Nhưng chính những vũ đạo khó như bê đầu gối, xiến, lỉa, xoang, nhẩy... để góp phần lột tả tính cách nhân vật ấy đã thu hút chị, và càng ngày, chị càng cảm thấy yêu và say mê hát tuồng, múa tuồng.
Đến giờ, tuồng đã gắn liền với cuộc sống, gắn liền với những buồn vui trong cuộc sống của chị.
Có thể nói, lớp học lớn của chị chính là sau… cánh gà sân khấu. Mỗi khi các cô, chú nghệ sỹ nổi tiếng trong đoàn biểu diễn, chị lại đứng sau cánh gà để xem và học lỏm theo. Khi có sự cố cần thay vai là chị lập tức vào thay được ngay.
Nhờ trí thông minh và ham học hỏi, nên rất nhiều vai diễn của chị đã thành công bằng cách học khác người ấy.
Là một trong số ít nghệ sỹ có may mắn được đào tạo theo hai dòng tuồng Nam và Bắc, tức là tuồng Liên khu 5 và tuồng Bắc, NSƯT Hương Thơm đã biết kết hợp và chắt lọc tinh hoa của cả hai dòng tuồng Nam - Bắc để tạo cho mình một chất diễn khác người, tạo dấu ấn riêng cho những nhân vật mà mình hóa thân.
Khán giả đã từng xem Hương Thơm diễn, không thể quên được lối diễn có chiều sâu, động tác điêu luyện và giọng hát ngọt ngào của chị qua hàng loạt vai diễn từ tuồng truyền thống đến tuồng hiện đại như: Nữ tướng Đào Tam Xuân, Phương Cơ, Hồ Nguyệt Cô, Liễu Nguyệt Tiêm, Trại Ba công chúa, Mộc Quế Anh... (tuồng cổ), Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, Lý Chiêu Hoàng, Công chúa An Tư, Ngọc Hân công chúa, Ái Nương... (tuồng lịch sử).
Ngay cả những vai tuồng hài như mụ Huyện, Thị Hến (tuồng hài Nghêu - Sò - Ốc - Hến) hay một số vai tuồng trong kịch bản nước ngoài như Chi Men (trong Lơ-xit), Phồn Y (trong Đêm giông tố), Sơnkuntơla (vở tuồng cùng tên)… vai tuồng nào chị cũng chiếm được cảm tình của khán giả và giới trong nghề.
Đặc biệt, vai diễn Ngọc Hoa trong vở tuồng Trần Hưng Đạo được đi hội diễn năm 1995, chị đã gây ấn tượng đặc biệt với ban giám khảo và đồng nghiệp qua màn diễn đánh võ bằng tóc độc đáo của chị.
Phần thưởng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị, động viên chị vượt qua những thời điểm gian khó chính là những chiếc huy chương vàng mà chị được trao qua những kỳ hội diễn.
Từ năm 1991, trong cuộc thi "Tài năng trẻ", NSƯT Hương Thơm đã đoạt Giải xuất sắc, năm sau 1992, chị lại đoạt Huy chương vàng trong cuộc thi “Tiếng hát tuồng – chèo”. Năm 1993, chị lại được Huy chương vàng trong cuộc thi "Trích đoạn tuồng - chèo hay".
Đặc biệt, trong năm 1995, Hương Thơm đã đoạt hai giải vàng trong cuộc thi “Diễn viên trẻ - tài sắc” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức và trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Càng ngày, tài năng của chị dường như càng chín muồi.
Đến nay, bảng thành tích của chị thật đáng kể: 6 Huy chương vàng quốc gia, Giải thưởng Đào Tấn, Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều huy chương, bằng khen của Đảng, Nhà nước trao tặng.
Phương Lan