Nhà hát kịch Việt Nam mang kịch chuyển thể từ 'Mùa hoa cải bên sông' đi lưu diễn miền Trung

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về việc biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, từ ngày 15/6-21/6, đoàn nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ mang vở diễn "Khát vọng" tới phục vụ nhân dân 2 tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Một cảnh trong vở diễn.

"Khát vọng" được chuyển thể từ truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, truyện ngắn từng ám ảnh người đọc từ hơn 20 trước, từng được dàn dựng trên sân khấu rồi được chuyển thành phim truyền hình.
 

"Mùa hoa cải bên sông" mang tới câu chuyện buồn, day dứt về một gia đình chài lưới, vì mối thù không tìm được chỗ chôn vợ, ông bố bắt cả gia đình tuyệt giao với người trên bờ, đẩy những người con trong gia đình tới bi kịch tù túng. Mọi chuyện bắt đầu khi cô con gái út quyết định phá bỏ lời nguyền, đặt chân lên đất liền...



Khán giả từng ấn tượng với "Lời nguyền của dòng sông", phim truyền hình một tập của đạo diễn Khải Hưng (1993), trong đó NSND Trịnh Thịnh thủ vai ông bố. Kịch bản "Khát vọng" của NSƯT, cố tác giả Tạ Xuyên cũng để lại tiếng vang khi chuyển thể lên sân khấu.

Và nay, NSƯT Hoàng Lâm Tùng một lần nữa tái hiện câu chuyện đầy bi kịch ấy trên sàn diễn Nhà hát kịch Việt Nam.


Sân khấu tối giản, mọi câu chuyện và diễn biến xoay quanh chiếc bè mảng, sau này có thể biến hóa thành căn nhà của Thao - người yêu của cô con gái út Giang. Chỉ cần bối cảnh chật hẹp ấy cũng đủ cho khán giả cảm thấy sự bức bối, ngột ngạt của năm con người trên chiếc thuyền bé xíu: Một ông bố bảo thủ, hai vợ chồng người con cả sống trong bi kịch chục năm trời không có mụn con, cậu con trai thứ nhận ra sự bức bối nhưng hèn kém không dám phản kháng, chỉ có cô con gái út lúc nào cũng lấp lánh ước mơ được biết đến thế giới trên bờ.


Sự bảo thủ đẩy con người tới hành vi khó chịu với bản thân và người xung quanh. Bên cạnh âm hưởng bi kịch, "Khát vọng" có những đốm sáng của hy vọng và câu chuyện có hậu, nhân văn hơn. Đó là khi ông bố ngăn cấm không cho các con đưa xác người chết trôi vào bờ, thì bản thân ông lén lút một mình trong đêm chôn cất cho người chết vô danh. Đặc biệt cái kết khiến người xem thấy ấm áp hơn.


Đạo diễn khai thác một số cảnh ở sau cánh buồm, chỉ thấy hình ảnh và tiếng diễn viên thoại tăng thêm chiều sâu cho vở diễn. "Khát vọng" dù chỉ là vở diễn tốt nghiệp và vẫn có thể đào sâu hơn nữa nhưng Lâm Tùng có thành công nhất định, được Nhà hát kịch Việt Nam đưa vào kịch mục của Nhà hát.  


Đặc biệt, vai ông bố do NSƯT Trung Anh đảm nhận, giúp vực dậy cả dàn diễn viên trẻ hơn như Minh Hải, Minh Hương, Lâm Cương, Ngô Thuận, Thế Nguyên.


Những hình ảnh trong vở diễn:


PT/ Báo Tin Tức
“Chuyện nàng Kiều” lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam
“Chuyện nàng Kiều” lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam

Tối nay, 26/10, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ họp báo giới thiệu vở diễn “Chuyện nàng Kiều” (chuyển thể kịch bản sân khấu Nguyễn Hiếu, biên tập NSND Anh Tú – Lê Trinh, đạo diễn NSND Anh Tú).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN