Là công ty xử lý kỹ xảo hình ảnh, từng góp phần làm nên thành công của nhiều bom tấn đình đám, Industrial Light & Magic tiếp tục được các nhà sản xuất của "Kong: Đảo Đầu Lâu" tin tưởng để đưa nhân vật mang tính biểu tượng này lên màn ảnh rộng.
Mất 18 tháng đội ngũ làm phim mới tạo hình xong nhân vật Kong. |
Dưới sự điều hành của 2 chuyên gia VFX Stephen Rosenbaum và Jeff White, nhóm thực hiện với số lượng lên tới 300 thành viên
, quy tụ nhiều hoạ sỹ, chuyên gia đồ hoạ và kỹ thuật viên
đã nỗ lực không biết mệt mỏi trong suốt 18 tháng, trong đó bao gồm 8 tháng phục vụ riêng cho việc lên ý tưởng thiết kế nhân vật đặc biệt này.
“Nhiệm vụ mà nhóm đặt ra không chỉ là làm nên một nhân vật với tạo hình ấn tượng theo đúng ý đồ của các nhà làm phim, mà còn tìm cách để khiến Kong trong phim trở thành một nhân vật có trái tim và chiếm được cảm tình của khán giả.” Rosenbaum giải thích.
Vogt-Roberts đã khởi động quá trình này bằng cách đề nghị các chuyên gia tới từ ILM, quan sát kỹ những đặc điểm đã trở thành biểu tượng của Kong khi xuất hiện trong “King Kong” – bộ phim kinh điển được ra mắt vào năm 1933 – và từ đó có được những ý tưởng cụ thể hơn cho tạo hình nhân vật có kích thước khổng lồ này.
“Chúng tôi đã áp dụng một số chi tiết có tỉ lệ phóng đại cho phần miệng cũng như bộ lông mày, thu nhỏ phần đầu của Kong và sử dụng tông màu nâu cam sáng để góp phần bộc lộ được chiều sâu cho nhân vật này.” Jeff White chia sẻ.
Nhưng điểm đáng chú ý nhất của Kong trong bộ phim này chính là kích thước của nó. Với chiều cao lên tới 100 feet (tương đương 30 m), Kong sừng sững như một toà tháp khi đứng trước bất cứ một đối thủ nào, kể cả với những du khách mới đặt chân tới Đảo Đầu Lâu.
“Đó là điều vô cùng quan trọng vì chính kích thước đồ sộ của Kong đã khiến ta nhận thấy rằng, con người thật nhỏ bé biết bao khi xuất hiện trong thế giới của nó, và nhận ra rằng chúng ta thực sự không thuộc về nơi này…” White nhận định.
Thánh địa của Kong
Bên cạnh việc tạo hình Kong thì thánh địa của Kong cũng được các chuyên gia tạo hình đầu tư kỹ lưỡng.
Việc xây dựng thánh địa của Kong cũng được nhà làm phim đầu tư kỹ lưỡng từng chi tiết. |
Đảo Đầu Lâu – hòn đảo nguyên sơ không một dấu chân người và cũng chính là mái nhà của Kong – là một không gian với vẻ đẹp thiên nhiên ngoạn mục với sự kết hợp của những cảnh quan vừa tươi đẹp lại vừa dữ dội, vừa chân thực lại vừa ảo diệu.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã có những ý tưởng rất cụ thể để xây dựng bối cảnh chính của phim. Đó sẽ là một hòn đảo với một hệ sinh thái và điều kiện thời tiết đặc biệt cùng những cảnh quan mà khán giả chưa bao giờ được thấy trên màn ảnh rộng”, nhà sản xuất Parent cho biết.
Thiết kế sản xuất Stefan Dechant cũng cho biết ông và đạo diễn Vogt-Roberts đã có những cuộc trao đổi rất kỹ lưỡng về khung cảnh của hòn đảo mà họ sẽ tạo nên trong Kong: Đảo Đầu Lâu.
“Đó chính là thế giới mà Jordan mong muốn được xây dựng, và chúng tôi đã lắng nghe ý tưởng của Jordan như thể anh ấy vừa quay trở về từ Đảo Đầu Lâu và kể với các thành viên của đoàn làm phim những câu chuyện về hành trình của mình”, ông hồi tưởng.
"Kong: Đảo Đầu Lâu" là dự án điện ảnh có quy mô hoành tráng nhất của Hollywood được quay ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đoàn làm phim cũng đã tiến hành ghi hình tại đảo Oahu tại Hawaii và tại một số địa danh nằm ở Gold Coast của Australia.
Garcia nhận xét: “Được quay phim tại đất nước Việt Nam với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là một đặc ân lớn lao đối với đoàn làm phim chúng tôi. Những khung cảnh ngoạn mục ở nơi đây đã góp phần làm nên một bức phông nền vô cùng đặc biệt cho câu chuyện của chúng tôi.
Đạo diễn Vogt-Robert hồi tưởng về giai đoạn quay phim ở Việt Nam: “Ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam, tôi đã biết chắc rằng đất nước này có một điều gì đó rất đặc biệt”.
Trong khoảng thời gian 3 tuần, nhóm thực hiện đã ghi hình tại một số địa danh nổi tiếng của Việt Nam như hệ thống hang động Tú Làn, động Phong Nha ở Quảng Bình, khu sinh thái Tràng An, Tam Cốc và đầm Vân Long ở Ninh Bình và kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh…
Việc vận chuyển các thiết bị, di chuyển của dàn diễn viên, các thành viên của đoàn làm phim tới với một số địa danh nằm ở nơi hẻo lánh nhất của Việt Nam đã đòi hỏi các nhà sản xuất phải lên những kế hoạch rất chi tiết cho các công tác chuẩn bị hậu cần, trong đó bao gồm cả việc mở một số con đường mới. Sau khi quá trình bấm máy hoàn tất, đoàn làm phim sẽ tiến hành phục hồi nguyên trạng hệ sinh thái cũng như cảnh quan thiên nhiên của những khu vực này.
Đạo diễn Vogt-Roberts đã dành những tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam. Anh nói: “Tôi chắc chắn rằng khán giả sẽ cảm thấy yêu mến Việt Nam và hi vọng rằng "Kong: Đảo Đầu Lâu" sẽ truyền cảm hứng để mọi người có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nơi đây.
Những gì được trải nghiệm ở Việt Nam đã khiến tôi thay đổi rất nhiều, tôi thực sự ấn tượng với văn hoá cũng như người dân bản địa. Có lẽ không có gì có thể khiến tôi hạnh phúc hơn việc có thể giúp thế giới biết tới lịch sử hào hùng tới mức khó tin của đất nước này”.
Không ngoài dự đoán của đạo diễn Vogt-Roberts, trong ngày đầu công chiếu toàn quốc vào ngày 10/3 và những suất chiếu sớm vào tối ngày 9/3, bộ phim này đã đạt doanh thu hơn 18,2 tỷ đồng, lập kỷ lục mới về doanh thu phòng vé tại Việt Nam.
Riêng, trong ngày 10/3, có hơn 162.000 lượt khán giả Việt Nam đến các rạp chiếu phim trên toàn quốc xem phim "Kong: Skull Island". Đáng chú ý, hầu hết những người sau khi xem phim này đều hết lòng ca ngợi về bộ phim vì sự mãn nhãn về hình tượng Kong cũng như vẻ đẹp hùng vĩ của Việt Nam trong phim này.
Theo đánh giá của mọi người sau khi xem phim, đây là bộ phim rất đáng giá để xem. Sau đây là clip về bộ phim Kong: Đảo Đầu Lâu, đừng bỏ lỡ cơ hội: