Những bộ phim khoa học... định hình tương lai loài người

Kênh National Geographic Channel và GE hợp tác sản xuất series phim khoa học "Breakthrough". Đây là series phim khắc họa những thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc, sẽ định hình tương lai của loài người.


18 giờ tối ngày 6/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi ra mắt series phim khoa học "Breakthrough" (Đột phá). Đây là series phim khắc họa những thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc, sẽ định hình tương lai của loài người, do Tập đoàn General Electric (GE) lần đầu tiên hợp tác với kênh truyền hình National Geographic Channel để thực hiện. Bộ phim được sản xuất bởi hãng Imagine Entertainment và Asylum Entertainment.


Tập phim "Hơn cả con người" (More than human) của đạo diễn Paul Giamatti là câu chuyện về những nghiên cứu đã đem lại niềm hy vọng cho những người bị chấn thương cột sống.


Điều hành sản xuất bởi Ron Howard, Brian Grazer, Steve Michaels, Jonathan Koch và Mark Dowley,  "Breakthrough" là bộ phim mang tính cách mạng về các nhà khoa học đến từ những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, cùng những sáng chế, phát minh tiên tiến có khả năng làm thay đổi tương lai của loài người. Series phim mang đến các câu chuyện, con người và công nghệ đằng sau những phát minh đột phá ấy, và chỉ ra cách mà chúng thay đổi cả thế giới.


"Bộ phim "Breakthrough" đưa khán giả vào cuộc hành trình khám phá những tiến bộ khoa học tiêu biểu liên quan đến não bộ, lão hóa, nguồn nước, năng lượng, dịch bệnh và công nghệ người máy. Những phát minh độc đáo, có thể cứu sống con người là một phần của cuộc sống hằng ngày mà đôi khi chúng ta cho là hiển nhiên. Nó có thể ra đời trong tích tắc và ở tất cả mọi nơi. Đó đều là những cuộc cách mạng trong cuộc sống hiện đại của con người. Bộ phim  còn truyền tải sự can đảm, trí tưởng tượng, niềm đam mê và sự hy sinh của các nhà khoa học để đưa những phát minh ấy vào cuộc sống đời thường", đại diện GE chia sẻ.


Series gồm 6 tập phim, được đạo diễn bởi những bộ óc sáng tạo hàng đầu Hollywood  là Angela Bassett, Peter Berg, Paul Giamatti, Akiva Goldsman, Ron Howard và Brett Ratner.


Tập phim "Nước và sự sống"(Water Apocalypse)

Tập phim "Nước và sự sống"(Water Apocalypse) của đạo diễn Angela Bassett) phản ánh thời điểm bang California đang trên bờ vực của tận thế. Vùng đất này đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán có thể gây ra thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu cho các nông trại và lấy đi hàng nghìn việc làm. Tuy nhiên California không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng bùng nổ dân số và nguồn cung nước ngọt suy giảm. Đạo diễn Bassett tập trung kể về những câu chuyện đầy cảm hứng của những con người đang miệt mài làm việc để thay đổi thế giới. Trong đó có Sandra Postel với nỗ lực mang nước trở lại đồng bằng sông Colorado khô cằn sau khi sông Colorado bị đổi dòng để cấp nước cho miền Tây Hoa Kỳ; Aaron Mandell với dự án khử muối trong nước bằng năng lượng mặt trời nhằm bảo tồn và tái sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này; hay kiến trúc sư người Italy Arturo Vittori, người đang tìm cách xây dựng tháp thu nước tại một ngôi làng xa xôi ở Ethiopia.


Tập phim "Chiến đấu với dịch bệnh" (Fighting Pandemics) của đạo diễn Peter Berg đưa người xem vào thế giới xúc động, đầy cảm hứng và có phần đau buồn của những con người tiên phong trong công cuộc ngăn chặn nguy cơ bùng nổ bệnh dịch và cứu thế giới khỏi những thảm họa trong tương lai. Sự bùng phát của dịch Ebola đang buộc khoa học y tế phải phát triển nhanh để đuổi kịp tốc độ biến đổi của virus, và khơi dậy những bước đột phá nhằm hướng đến một thế giới không mầm bệnh. Từ các loại kháng sinh, vắc-xin đến các phần mềm dự đoán khả năng lan rộng của virus, những công cụ cứu sống mới đó sẽ được sử dụng để chống nhiều loại virus trong tương lai gần, bao gồm cả HIV, cúm, sốt xuất huyết, sốt rét và nhiều căn bệnh chết người khác. Hãy theo chân tiến sĩ Maria Croyle, người đã phát minh ra vắc xin chống virus cảm lạnh phổ biến; và Tiến sĩ Ian Crozier đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chiến đấu với dịch Ebola ở Sierra Leone cho đến khi chính ông mắc bệnh, bị cách ly và hứng chịu nỗi đau đớn trong 40 ngày tại Bệnh viện Đại học Emory.


Bộ phim của "Hơn cả con người"(More than human) đạo diễn Paul Giamatti

Tập phim thứ ba là "Hơn cả con người"  (More than human) của đạo diễn Paul Giamatti. Cyborg là thuật ngữ chỉ những người được hỗ trợ hoặc tăng cường chức năng cơ thể bằng công nghệ, ví dụ chân tay nhân tạo hoặc máy tạo nhịp tim. Tuy nhiên, tiến bộ khoa học đang vượt ra ngoài giới hạn của những bộ phận thay thế để tiến vào một lĩnh vực mới là thay đổi bản chất cơ thể và tâm trí con người. Sự kết hợp giữa sinh học và công nghệ đang làm cho con người hoàn thiện hơn, khỏe hơn, nhanh hơn và thông minh hơn. Cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm thế giới đang dần thay đổi. Giờ đây, chúng ta đang tìm cách can thiệp vào mã di truyền và nắm bắt chìa khóa đi đến kiến tạo. Liệu sự giao thoa giữa thế giới tự nhiên và nhân tạo có khiến chúng ta vượt qua giới hạn con người? Cùng xem Trish Aelker tại Lockheed Martin Exoskeleton Technologies dựng nên những khung xương ngoài mang đến siêu sức mạnh cho con người, và Tiến sĩ Miguel Nicolelis, một chuyên gia về giao diện bộ máy não bộ với dự án Walk Again đang đem lại niềm hy vọng cho những người bị chấn thương cột sống.


Tập phim "Nguồn năng lượng thay thế" (Energy from the Edge) của đạo diễn Akiva Goldsman lại là chia sẻ về những nguồn năng lượng thô và sạch xung quanh chúng ta vô cùng dồi dào và có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Việc tìm kiếm những cách thức mới để khai thác nguồn năng lượng này chỉ có thể được đảm nhiệm bởi một số ít những nhà khoa học, kỹ sư có cả kỹ năng chuyên môn, trí tưởng tượng và sự kiên định. Tập phim mô tả các dự án về năng lượng thay thế và những con người đứng đằng sau các dự án đó như kỹ sư Louis Michaud, người đang chế tạo máy tạo lốc xoáy sản sinh năng lượng; và nhóm nghiên cứu tại National Ignition Facility với công trình kiểm soát năng lượng nhiệt hạch để cứu thế giới.


Tập phim "Con người có thể sống thọ đến bao lâu?" (How long can we live?) của đạo diễn Ron Howard là chia sẻ về việc trong những năm gần đây, các nghiên cứu chuyên sâu về quá trình lão hóa đang mở ra những cách thức mới giúp chúng ta sống thọ một cách khỏe mạnh. Liệu chúng ta có thể vượt ra khỏi việc điều trị bệnh thông thường mà thay vào đó, can thiệp trực tiếp vào quá trình lão hóa? Liệu sống lâu hơn có đồng nghĩa với sống tốt hơn? Một nhóm các nhà nghiên cứu tin rằng có một sự đột phá đang kéo dài tuổi thọ cũng như sức khỏe của con người, đó là giai đoạn của cuộc sống không bệnh tật. Hãy lắng nghe câu chuyện của Laura Deming, người đã bỏ dở việc học tại M.I.T. để tìm kiếm và tài trợ cho các dự án cải tiến sức khỏe con người, và Tiến sĩ Brian Kennedy, đang thực hiện công trình nghiên cứu sinh học cơ bản về lão hóa có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của các nghiên cứu khác.


Tập phim "Bộ não: Biên giới cuối cùng"  (The Brain: The Final Frontier)  của đạo diễn Brett Ratner, đề cập tới việc sau nhiều thiên niên kỷ suy đoán về những điều diễn ra bên trong bộ não con người, ngày nay chúng ta đã có những công cụ để khám phá tiềm năng bí ẩn của nó. Những công cụ này đang dẫn đến những đột phá có thể giải cứu hàng ngàn người khỏi tình trạng hôn mê và các bệnh liên quan đến não như động kinh và Alzheimer. Chúng cũng làm sáng tỏ bí ẩn của ý thức và những điều tạo nên chính chúng ta. Cùng gặp gỡ các nhà nghiên cứu và khoa học hàng đầu như Tiến sĩ John Schenck, người đã góp phần phát triển máy chụp cộng hưởng từ (MRI), và là người đầu tiên được chụp não bằng máy vào đầu những năm 1980; và Tiến sĩ Steve Ramirez, người đã tìm ra cách thay đổi ký ức và cảm xúc của con người.


Được giới thiệu bởi kênh truyền hình National Geographic Channel và GE, hai cái tên gắn liền với những thành tựu khoa học, sự đổi mới và khám phá không ngừng, series phim sẽ được phát sóng chính thức tại Việt Nam trên kênh National Geographic Channel vào 21 giờ tối thứ bảy hàng tuần, bắt đầu từ ngày 7/11/2015. Các nhà điều hành sản xuất khác gồm có Michael Rosenberg của Imagine Entertainment, Ryann Lauckner và Kurt Sayenga của Asylum Entertainment, Beth Comstock của GE, và Hamish Mykura của kênh truyền hình National Geographic Channel.

PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN