Phim ăn theo “hốt” bạc

Trong một thế giới nơi các nhà làm phim Hollywood chi ra hàng trăm triệu USD để sản xuất những tác phẩm điện ảnh về những cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh hay những ngôi nhà bị ma ám... vẫn tồn tại một nhóm những nhà làm phim sống dựa vào những bộ phim bom tấn như vậy bằng cách tạo ra những bộ phim na ná được xếp vào dòng phim ăn theo.

 

Nếu xem qua hình ảnh về những “cỗ máy giết người của tự nhiên” - cá mập trắng khổng lồ” - không chỉ thống trị mặt nước mà còn tung mình trong không trung ở thành phố Los Angeles (Mỹ) trong một trận lốc xoáy kinh hoàng và lao xuống ăn thịt người trong phim Sharknado, hẳn khán giả không khỏi cảm thấy “choáng váng”. Nhưng họ sẽ còn choáng hơn khi biết rằng một bộ phim với những cảnh quay và nội dung như vậy có kinh phí rất thấp, nhưng thu hút được hơn 1 triệu người xem, và có đến 300.000 lượt “tweet” nhiệt tình trên mạng xã hội Mỹ ngay trong đêm công chiếu trên kênh truyền hình cáp, vệ tinh Syfy.

 

Bộ phim bom tấn Battleship và bộ phim ăn theo American Battleship.


Có một sự thật là mặc dù bị đánh giá thấp về mặt nội dung lẫn diễn xuất, cũng như vấp phải các kiện cáo về bản quyền, nhưng những bộ phim ăn theo lại đang chứng minh có thể mang lại lợi nhuận lên đến hàng triệu USD, điều mà một số bộ phim bom tấn kinh phí lớn của Hollywood cũng phải “ngả mũ”.

Phim ăn theo là gì?


“Sharknado” chỉ là một ví dụ của dòng phim ăn theo, một thể loại phim hình thành từ nhu cầu “không bao giờ cạn” của người dùng Internet.

 

Transmorphers, một bộ phim ăn theo của Asylum.


Phim ăn theo thường là những bộ phim kì quặc, có nội dung tẻ nhạt, hời hợt. Mang dáng dấp của những cái tên lớn được trình chiếu ở rạp, chúng được sản xuất trong một vài tháng, khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với thời gian sản xuất một bộ phim thông thường, thường phải tính bằng đơn vị năm. Một điểm đáng lưu ý khác là những bộ phim ăn theo có kinh phí sản xuất thường ít hơn 500.000 USD (khoảng 10 tỉ đồng), bằng số lẻ làm tròn của một phim bom tấn.


Bất chấp chất lượng phim kém cỏi, những bộ phim ăn theo như vậy lại đang thu hút được một lượng khán giả đông đảo chưa từng thấy và sản xuất những bộ phim ăn theo lại đang trở thành một ngành công nghiệp phát triển.


Chiến thuật của nhà sản xuất


Nhìn thấy cơ hội kiếm tiền trong ngành công nghiệp cung cấp “thực phẩm ăn sẵn kém chất lượng”, nhiều công ty đã xây dựng chiến lược riêng để có thể “móc túi” thiên hạ.

 

Một hình ảnh quảng cáo bộ phim Sharknado của Asylum.


Ngón nghề mà công ty Renegade Animation có trụ sở ở thành phố Glendale, bang California (Mỹ) sử dụng là tận dụng tối đa chiến dịch PR rầm rộ của các nhà sản xuất phim lớn để quảng cáo cho các sản phẩm của riêng mình. Tận dụng việc bộ phim hoạt hình về những chú chim cánh cụt khiêu vũ “Happy Feet” được công chiếu tại các rạp chiếu phim năm 2006 và ghi điểm tại các giải thưởng điện ảnh hàn lâm, Renegade đã nhanh chóng ra mắt phiên bản phim hoạt hình ăn theo của mình với cái tên “Tappy Toes”.


Trong khi đó, công ty Brinquedo Animation của Brazil lại sử dụng một chiến lược hoàn toàn khác: nhái giọng nói, nhái hành động của nhân vật. Những bộ phim hoạt hình hời hợt của công ty này như “The Little Cars in the Great Race”, “Ratatoing” đã mượn trắng trợn ý tưởng từ các sản phẩm nổi tiếng của những cái tên đình đám như Disney với bộ phim hoạt hình “Cars”, Pixar với bộ phim “Ratatouille”.


“Ông trùm” của dòng phim ăn theo


Ngồi trên ngai vàng của những nhà sản xuất tạo ra những bộ phim ăn theo “đình đám” là “vị Vua” không phải bàn cãi Asylum, một công ty được thành lập năm 1997, có trụ sở ở thành phố Burbank, bang California (Mỹ).

Thực sự điều gì đã khiến cho những bộ phim ăn theo với chất lượng kém như vậy được chấp nhận? Theo bà Kathryn Arnold, một nhà sản xuất và điều hành, nói đến tận cùng của vấn đề thì vẫn là câu chuyện rủi ro thấp, lợi nhuận cao. Bà Kathryn chia sẻ nếu mang so sánh với dòng phim bom tấn, thì cốt truyện của những bộ phim ăn theo và bản thân việc tạo ra các sản phẩm có chi phí sản xuất thấp giúp hạn chế rủi ro về mặt thương mại bởi cốt truyện này đã được kiểm chứng và nội dung thì làm thỏa mãn khán giả. “Nếu phim ăn theo đánh trúng tâm lí người xem và tạo ra được tiếng vang, thì khán giả sẽ ồ ạt đổ đi xem”, bà Kathryn nói.


Sau một thời gian đầu tư ngân sách vào sản xuất các bộ phim kinh dị, năm 2005 công ty này đã tung ra một một phiên bản bộ phim “War of the Worlds” ăn theo tác phẩm chuyển thể cùng tên của đạo diễn Steven Spielberg. Các đĩa phim DVD phiên bản của Asylum đã trở thành một “hit” gây sốt vào thời điểm đó. Thành công của bộ phim ăn theo này lớn đến nỗi tập đoàn cho thuê băng đĩa nổi tiếng của Mỹ Blockbuster đã đặt đơn hàng lên đến hơn 100.000 bản.


Sau thành công này, nhiều bộ phim ăn theo đã tiếp tục ra đời từ “tiền lệ” mà “War of the Worlds” đã thiết lập. Có thể thấy, khi Hollywood tung ra các siêu phẩm như “Transformers”, “Snakes on a plane”... thì nhà sản xuất phim ăn theo này cũng nhanh chóng xuất xưởng những “đứa con tinh thần” “Transmorphers”, “Snake on a train”. Tốc độ là một thứ vũ khí lợi hại của Asylum. Cụ thể, một bộ phim có kinh phí lớn của Hollywood có thể mất hai ngày để hoàn thiện một cảnh quay dài nửa trang kịch bản. Trong khi đó, tốc độ quay bình quân trong quá trình sản xuất một bộ phim của Asylum là mười trang kịch bản mỗi ngày.


Nhu cầu của thế giới với những bộ phim do Asylum sản xuất cũng vô cùng lớn. Khoảng một nửa số tiền cung cấp cho ngân sách của mỗi bộ phim của Asylum đến từ việc bán hàng ra quốc tế, từ châu Âu, Trung Quốc cho đến Trung Đông và tại sự kiện được tổ chức hàng năm của ngành công nghiệp điện ảnh ở Santa Monica bang California (Mỹ): American Film Market.


Asylum không phải là công ty sáng tạo ra dòng phim ăn theo nhưng là công ty thành công nhất trong việc kiếm bộn tiền từ dòng phim này mỗi năm. Kinh phí sản xuất cho một một phim của Asylum vào khoảng 500.000 USD nhưng con số này có thể tăng lên 1 triệu USD nếu Asylum tìm được đối tác sản xuất. Tính trung bình, mỗi bộ phim của Asylum mang về khoản lợi nhuận từ 125.000 - 250.000 USD.


Theo David Latt, nhà đồng sáng lập ra Asylum, nguyên tắc hoạt động của công ty này là không chi thêm 1 đồng cho một bộ phim nếu không chắc chắn có thể bán nó với cái giá cao hơn thế. Năm 2012, lợi nhuận của Asylum là 5 triệu USD và trong năm 2013, Asylum dự tính “hốt” về khoảng 19 triệu USD.


Anh Tiếu(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN