Tỉnh Ninh Bình đã nghiêm túc quán triệt, triển khai; từng bước cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo vào thực tiễn tạo sự thống nhất, nâng cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục và đào tạo. Các nhiệm vụ, giải pháp được cụ thể hóa để thực hiện đồng bộ, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn địa phương, bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Quy mô mạng lưới trường, lớp các cấp học trên địa bàn phát triển tương đối hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Ninh Bình thực hiện đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá đồng bộ với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học. Hệ thống giáo dục phát triển theo hướng mở, đa dạng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường về cả số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa. Tỉnh sớm đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 2. Chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo bình quân đạt mức 24% tổng chi ngân sách nhà nước. Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình luôn nằm trong tốp đầu của toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Mai Văn Tuất đánh giá cao các kết quả của các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức, sâu sát đến công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục; đội ngũ giáo viên vẫn còn thừa, thiếu cục bộ. Việc tuyển dụng giáo viên là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo chính sách thu hút tại Nghị định 140/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thiếu linh hoạt. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn có những bất cập về sách giáo khoa, thiết bị dạy học… Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục truyền thống, chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân chưa sáng tạo, hiệu quả chưa cao...
Ông Mai Văn Tuất đề nghị: Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; các quan điểm, định hướng phát triển giáo dục đào tạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đối với giáo dục. Tập trung quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục; huy động mọi nguồn lực đầu tư đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động giáo dục.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục để có kế hoạch sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, tạo cơ hội, môi trường để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin,..