Sau 5 năm thực hiện đổi mới, công tác kiểm tra, đánh giá đang đi đúng triết lý vì sự phát triển năng lực của học sinh.
Kiểm tra, đánh giá đang đi đúng hướng
Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới kiểm tra, đánh giá của Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chỉ ra những kết quả đáng ghi nhận trong công tác kiểm tra, đánh giá, được thể chế hóa bằng chính sách ở tất cả các bậc đào tạo. Cụ thể, ở bậc Tiểu học, chuyển từ trọng tâm định lượng sang định tính; ở bậc Trung học và đại học, đánh giá tổng kết dần dịch chuyển sang đánh giá quá trình, bám sát chuẩn đầu ra.
Giáo sư Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: Kiểm tra đánh giá đang đi đúng triết lý vì sự phát triển năng lực của học sinh. Theo đó, việc kiểm tra đã tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình; tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện như tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá trình diễn…
Đối với bậc Tiểu học, việc ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về quy định đánh giá học sinh Tiểu học và Thông tư 22/2016/TT- BGDĐT sửa đổi quy định đánh giá học sinh Tiểu học đã làm thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá, khích lệ học sinh tự tin trong học tập khi kết hợp đánh giá bằng điểm số, nhận xét của giáo viên. Giáo dục ở bậc Tiểu học chú trọng sự tiến bộ của học sinh, coi trọng động viên, khuyến khích, tăng cường đánh giá toàn diện, không so sánh học sinh này với học sinh khác.
Ở bậc Trung học, việc kiểm tra, đánh giá hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; chú trọng đánh giá thường xuyên, đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá. Ngoài ra ở bậc Trung học có kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng. Việc đánh giá học sinh được quy định ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Việt Nam đã tham gia vào các kỳ thi đánh giá diện rộng quốc tế như PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế để đánh giá về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi), PASEC (Chương trình phân tích hệ thống giáo dục của Hội nghị Bộ trưởng các nước sử dụng tiếng Pháp PASEC 10). Cụ thể, Việt Nam tham gia 3 kỳ đánh giá của PISA (2012, 2015, 2018). Kết quả gần nhất là chu kỳ 2015, Việt Nam đứng thứ 8/72 nước trong bảng xếp hạng. Đánh giá theo PASEC (giai đoạn 2008-2014), Toán lớp 2 của Việt Nam trên 90% vượt chuẩn, lớp 5 là 75% vượt chuẩn, Tiếng Việt yếu hơn là 45-55% vượt chuẩn.
Chuyển biến tích cực trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh cũng được thể hiện trong việc đổi mới thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Theo đó, kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia được tổ chức từ năm 2015 đã góp phần giảm bớt tình trạng dạy – học lệch tủ; giảm áp lực tài chính cho phụ huynh và xã hội, hình thức thi có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam... Kết quả thi có xu hướng tiệm cận phân bố chuẩn, các trường đại học dễ sử dụng kết quả để xét tuyển.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại, rào cản trong kiểm tra đánh giá hiện nay. Trước hết là thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách kiểm tra đánh giá bởi chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức. Số học sinh trên lớp học quá đông khó triển khai đổi mới; tâm lí thi cử vẫn nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả. Đối với giáo viên, năng lực kiểm tra đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, một số giáo viên vẫn giữ thói quen cũ, ngại thay đổi. Đặc biệt, việc tổ chức kì thi Trung học Phổ thông quốc gia vẫn còn một số tiêu cực, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định, câu hỏi chưa mang tính tích hợp.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng: Một trong những đổi mới căn bản được ghi nhận khi thực hiện Nghị quyết 29 đó là thay đổi trong kiểm tra, đánh giá, chuyển đổi cách đánh giá từ điểm số sang đánh giá quá trình. Nghệ An trước kia thường tổ chức kỳ thi định kỳ thì nay chuyển sang các sân chơi trí tuệ, các hoạt động Olympic. Điều này khuyến khích các em hào hứng, tự nguyện tham gia theo sở trường và năng lực. Việc được tôn vinh qua các cuộc thi này trở thành động lực cho học sinh, không trở thành áp lực thành tích.
Duy trì tính ổn định của kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia
Để đảm bảo tính khả thi trong đổi mới kiểm tra, đánh giá, Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Cần đồng bộ chương trình và chính sách kiểm tra, đánh giá; quy định về số lượng học sinh/lớp phù hợp với đánh giá năng lực. Ngoài ra, ngành Giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, phân luồng, giảm áp lực thi cử; tăng cường tập huấn về đánh giá theo định hướng năng lực cho đội ngũ giáo viên.
Mô hình thi Trung học Phổ thông quốc gia cần tiếp tục duy trì để đảm bảo tính ổn định, phát huy điểm tích cực. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, câu hỏi tích hợp; hoàn thiện kĩ thuật; điều chỉnh văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giám sát; phát huy triệt để tính ưu việt của bài thi chuẩn hóa.
Trong giai đoạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cần xây dựng ngân hàng chuẩn hóa đủ lớn để đánh giá năng lực cơ bản của học sinh (Toán học, Ngôn ngữ); công khai dạng thức và đề thi trên mạng để học sinh có thể tự đánh giá các năng lực cơ bản. Việc xét tốt nghiệp cần kết hợp giữa điểm tích lũy môn học và đánh giá năng lực cơ bản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết: Hiện nay, trên thế giới có 3 xu hướng: Không thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (hiệu trưởng cấp chứng nhận hoàn thành bậc học); tổ chức thi Trung học Phổ thông quốc gia với sự vào cuộc của các tổ chức, cơ quan Nhà nước, bộ điều hành; tổ chức thi Trung học Phổ thông do Trung tâm khảo thí kiểm định thực hiện.
Tại Việt Nam, kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia đã bám sát tinh thần Nghị quyết 29, giảm lo âu căng thẳng cho xã hội, thời gian thi ngắn, có kết quả nhanh. Tuy nhiên, sự cố gian lận về điểm thi ở một số địa phương đang đặt ra thách thức với ngành giáo dục về việc tăng cường hơn nữa ý thức tự chịu trách nhiệm của từng cấp, từng người tham gia công tác coi thi, chấm thi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga, đòn bẩy để thay đổi chương trình giáo dục, giảng dạy học tập trong nhà trường là đổi mới kiểm tra đánh giá. Vì vậy, cần có kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia để đánh giá 12 năm học phổ thông của học sinh, tạo cơ sở dữ liệu để Nhà nước có chủ trương, chính sách quy hoạch, đầu tư phát triển giáo dục.
Tuy nhiên, công tác tổ chức kỳ thi nên có điều chỉnh cho hoàn thiện hơn. Từ năm 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện phần mềm quản lý thi; tổ chức ma trận chấm thi, tránh hiện tượng các tỉnh bắt tay nhau, lách luật để xảy ra tiêu cực. Ngoài ra, nên tính đến phương án tổ chức cho học sinh thi trên máy tính.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ sẽ có nhiều hướng đổi mới với kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia. Đây không chỉ là một kỳ thi để công nhận xét tốt nghiệp mà thông qua đó có cái nhìn đúng về nội dung, phương pháp, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông để điều chỉnh cho phù hợp...