Trong những ngày này, hòa chung không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cùng với phụ huynh cả nước, nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ đã chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới.XÂY DỰNG TRƯỜNG LỚP XANH -SẠCH - ĐẸP
Bước vào năm học mới 2015 - 2016, các tỉnh vùng Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp thêm hàng ngàn phòng học, lớp học, bàn ghế học sinh phục vụ tốt yêu cầu năm học mới.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên luôn chú trọng đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục trong con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để không những góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội mà còn bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Hiện nay các tỉnh Tây nguyên đang tập trung thực hiện việc cấp sách giáo khoa, vở viết cho học sinh DTTS. Chỉ riêng tại Đắk Lắk, tỉnh đã cấp cho mỗi em học sinh DTTS một bộ sách giáo khoa, sách bài tập bổ trợ theo danh mục quy định.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trao đổi bài sau giờ học. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Đối với vở viết, mỗi em học sinh DTTS bậc tiểu học được cấp 15 cuốn/năm (loại 96 trang), Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, mỗi em được cấp 20 cuốn vở/năm. Đắk Lắk đã đầu tư trên 176,2 tỷ đồng tập trung chủ yếu xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 3 phòng học, lớp học ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, góp phần chấm dứt tình trạng các lớp học tạm, tranh tre nứa lá, lớp học ghép, không còn lớp học 3 ca.
Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng còn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 57 trường phổ thông dân tộc nội trú khang trang, sạch đẹp, với đầy đủ các trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ tốt yêu cầu dạy và học cho học sinh DTTS. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng mới 86 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các địa bàn vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào DTTS ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đến trường. Ông Phạm Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Đắk Lắk cho biết, hiện toàn tỉnh có 100% huyện, thị xã, thành phố đều có trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng kiên cố, khang trang, với nhiều phòng chức năng đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, dự kiến năm học 2015- 2016 này, các tỉnh Tây Nguyên có trên 1,4 triệu học sinh các cấp đến trường, trong đó có trên 512.405 học sinh DTTS. Đắk Lắk là địa phương có nhiều trường học nhất với số lượng học sinh dự kiến đông nhất, gồm 987 trường học các cấp từ mầm non đến phổ thông, 16.613 lớp, với trên 500.000 học sinh, trong đó, học sinh DTTS có gần 150.800 em, tăng 862 trường (gấp 6 lần), số lớp tăng gấp11 lần, học sinh tăng gấp 8 lần, trong đó học sinh DTTS tăng gấp 7 lần so với ngày đầu mới giải phóng (1975). |
Hiện nay, phần lớn các thôn, buôn, bon, làng ở Tây Nguyên đều có nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, với 3.012 trường, thu hút hầu hết các cháu trong độ tuổi đi học đến trường, trong đó có 960 trường mẫu giáo, 1.275 trường tiểu học, 777 trường trung học cơ sở. Các tỉnh Tây Nguyên còn có 211 trường trung học phổ thông, trong đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có nhiều trường trung học phổ thông với gần 60 trường. Các trường học ở các tỉnh Tây Nguyên phần lớn đều được xây dựng kiên cố, bán kiên cố không còn tình trạng tranh tre, nứa lá, không còn tình trạng học 3 ca mà số trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ ngày ngày càng tăng.
Vào đầu năm học, các trường học vùng Tây Nguyên đều tổ chức cho các em học tập nội quy ăn, ở và sinh hoạt nội trú, nhằm nâng cao ý thức học tập và rèn luyện cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh được tốt hơn. Mỗi trường đều có y tế học đường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, những em đau ốm nặng được kịp thời chuyển lên tuyến trên để khám và điều trị. Duy trì và tăng cường các hoạt động lao động sản xuất để tạo ra môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời nâng cao ý thức, kỹ năng lao động của học sinh, tạo ra sản phẩm từ lao động, góp phần cải thiện bữa ăn cho các em. Các trường đã tổ chức công tác nội trú chặt chẽ, phân công cán bộ quản sinh trực kiểm tra học sinh.