Bắc Giang dự kiến huy động gần 28.500 tỷ đồng xây dựng trường, lớp học

Theo đại diện UBND tỉnh Bắc Giang, từ nay đến năm 2030, tỉnh dự kiến huy động khoảng 28.478 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Một tiết học tin học tại trường tiểu học thị trấn Tân Dân (huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Cụ thể, ngân sách cấp huyện, cấp xã, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia, nguồn vốn khác đầu tư cho xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn dự kiến là 25.310 tỷ đồng. Ngân sách cấp tỉnh, Trung ương, nguồn vốn khác đầu tư cho xây dựng trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 3.1 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2025 có tổng diện tích đất bổ sung các trường công lập và tư thục là 105,9 ha; xây dựng thêm 1.760 phòng học; 1.090 phòng học bộ môn; 89 nhà đa năng; 725 phòng hành chính quản trị; 565 phòng hỗ trợ học tập; 592 phòng phụ trợ; 9 phòng phục vụ sinh hoạt…

Giai đoạn 2026-2030, tổng diện tích đất bổ sung các trường công lập và tư thục là 186,7 ha; xây dựng thêm 4.229 phòng học; 2.804 phòng học bộ môn; 270 xưởng học nghề; 289 nhà đa năng; 1.863 phòng hành chính quản trị; 1.727 phòng hỗ trợ học tập; 1.887 phòng phụ trợ; 1.379 phòng phục vụ sinh hoạt,

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang xác định lộ trình và thứ tự quan tâm đầu tư. Đối với ngân sách cấp huyện, cấp xã cần ưu tiên đầu tư xây dựng đối với các trường tăng quy mô học sinh; trong đó ưu tiên xây dựng phòng học, sau đến các phòng bộ môn và các công trình phụ trợ. Quá trình xây dựng lưu ý đến các điều kiện để đáp ứng trường chuẩn quốc gia mức độ 2.

Ngân sách cấp tỉnh tập trung giải quyết các khó khăn của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, xây dựng phòng học văn hóa, phòng học nghề đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong đó, tỉnh tập trung xây mới hai Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn, Hiệp Hòa để nâng cấp thành trường trung cấp nghề; xây dựng Trường Trung học Phổ thông Thái Thuận (chuyển sang vị trí mới); xây dựng bổ sung các phòng học, phòng học bộ môn còn thiếu theo quy định cho các trường Trung học Phổ thông: Ngô Sĩ Liên, Giáp Hải, Chuyên Bắc Giang để đáp ứng tăng quy mô... Tỉnh cũng tập trung xây mới 3 trường Trung học Phổ thông: Lạng Giang số 4, Hiệp Hòa số 7, Việt Yên số 3 để đáp ứng quy mô phát triển học sinh...

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Bắc Giang có 761 cơ sở giáo dục gồm 252 trường mầm non (231 trường công lập và 21 trường tư thục); 220 trường tiểu học; 209 trường trung học cơ sở; 22 trường tiểu học và trung học cơ sở; 49 trường trung học phổ thông (trong đó 37 trường công lập, 12 trường tư thục, 3 trường phổ thông dân tộc nội trú), 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ngoại ngữ - Tin học tỉnh.

Tổng diện tích đất các trường công lập và tư thục là 695,258 ha; có 14.946 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 96,4%; 4.093 phòng học bộ môn; 149 nhà đa năng; 4.449 phòng hành chính quản trị; 2.931 phòng hỗ trợ học tập; 2.805 phòng phụ trợ; 742 phòng phục vụ sinh hoạt.

Từ năm 2016 - 2023, tỉnh Bắc Giang đã huy động các nguồn kinh phí gần 9.400 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn.

Nhờ đó, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học của tỉnh đạt 96,4% (cao hơn 14,2% so với trung bình cả nước). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non của tỉnh đạt 94,4% (cao hơn 39,2% so với trung bình cả nước); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc phổ thông đạt 94,4% (cao hơn 36% so với trung bình cả nước).

Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được tỉnh đặc biệt quan tâm. Chất lượng học sinh giỏi của tỉnh tiếp tục được nâng cao, nằm trong tốp đầu cả nước…

Việt Hùng (TTXVN)
Triển khai quyết liệt xây dựng trường chính trị chuẩn theo quy định của Ban Bí thư
Triển khai quyết liệt xây dựng trường chính trị chuẩn theo quy định của Ban Bí thư

Sáng 8/1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các thường trực tỉnh ủy, thành ủy cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN