Theo quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017, để xét công nhận tốt nghiệp thì thí sinh là học sinh THPT thi 4 bài (Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp tự chọn). Bên cạnh đó, nhằm tăng cơ hội xét tuyển đại học, thí sinh có thể thi cả 2 bài tổ hợp gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Điểm bài thi nào cao hơn được tính điểm xét tốt nghiệp.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại điểm trường THCS Dịch Vọng Hậu, Hà Nội. Ảnh: LV |
Trong quy định này cũng nêu rõ, chỉ những thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ năm ngoái) mới được quyền lựa chọn dự thi từng môn thành phần của bài thi tổ hợp.
Như vậy, dù cần điểm một môn nhưng thí sinh vẫn phải làm bài thi 2 môn khác trong tổ hợp. Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, nếu cho phép tất cả thí sinh được chọn môn thành phần trong bài thi tổ hợp thì việc kiểm soát một lượng lớn thí sinh vào ra phòng thi, khu vực thi là không thể thực hiện được trong một buổi...
Trong khi đó, nếu đã tự tin với một bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp THPT thì bài thi tổ hợp thứ hai thí sinh chỉ cần tập trung làm thật tốt môn thành phần sử dụng để xét tuyển sinh đại học. Các môn còn lại phải làm để không bị điểm liệt (1 điểm) là đủ.
Tuy nhiên, cả học sinh và giáo viên lo lắng về quy định này, bởi nguy cơ bị điểm liệt là khá cao với những môn thí sinh không học đều các môn. Trong đợt kiểm tra học kỳ I vừa qua, một số Sở GD – ĐT đã kiểm tra theo hình thức thi trắc nghiệm 2 bài thi tổ hợp và nhận thấy nhiều học sinh bị đuối khi thi liên tiếp 3 môn. Một số trường THPT tại Hà Nội cho biết, với những môn đã thử trắc nghiệm ở học kỳ I thì sẽ quay lại thi tự luận ở kiểm tra giữa kỳ II để đảm bảo điểm cho học sinh.
Hiện nay đã có một đề xuất từ phía các Sở GD-ĐT rằng nên để thí sinh được chọn từng môn thi trong tổ hợp để làm bài phục vụ xét tuyển và xếp các học sinh này dự thi chung với thí sinh tự do. Điều này vừa đảm bảo giữ trật tự trong và ngoài phòng thi mà vẫn đảm bảo được quyền lợi thí sinh.