Băn khoăn về “Đề án 2017”

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố “Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017”. Có rất nhiều ý kiến của các giáo viên, chuyên gia, phụ huynh, học sinh đã góp ý cho dự thảo. Báo Tin Tức xin trích đăng ý kiến của thày giáo Bùi Gia Nội, giáo viên môn Vật lý, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.

“Đọc qua Đề án thi năm 2017 của Bộ Giáo dục -Đào tạo. Cá nhân tôi là một giáo viên trực tiếp giảng dạy không khỏi có những băn khoăn:

Còn rất nhiều trăn trở về phương án thi 2017.


Thứ 1: Một đề án thay đổi rất nhiều hình thức thi cử mà chưa hề được thử nghiệm (thực nghiệm sư phạm) đã đem áp dụng toàn quốc với hơn một triệu thí sinh thì có vội vàng không?


Thứ 2: Chủ trương là giảm tải áp lực thi cử, vậy mà nếu tính số môn thi liên quan thì lại tăng so với trước đây. Theo lộ trình thì tới năm 2019, sẽ thi trong chương trình cả 3 năm cấp 3, ở cả 7 môn học như vậy thì có quá nặng không?


Thứ 3: Một kỳ thi dùng để xét tuyển ĐH nhưng tổ hợp môn thi quá nhiều và tràn lan như vậy không thể đánh giá đúng năng lực phù hợp của thí sinh với ngành học (chẳng hạn một em học ngành Cơ khí, cần chủ yếu các môn Toán, Lý, Anh; nhưng phải thi cả môn Sinh, môn Hóa). Ngành nghề hình thành trong xã hội là sự phân công lao động dựa trên thiên hướng cá nhân, thiên hướng cá nhân là năng khiếu vận động của một chủ thể đối với 1 lĩnh vực khoa học và công việc nhất định, năng lực đó được phát hiện và phát triển thông qua hoạt động giáo dục. Như vậy đề án thi tích hợp là sự cào bằng các năng lực cá nhân, mất ý nghĩa quan trọng nhất của thi cử là phát hiện, phát triển năng khiếu nghề nghiệp và sự phân công phân cấp lao động cho xã hội.


Thứ 4: Giáo dục là quốc sách cơ bản của một Quốc gia, nó cần đảm bảo tính ổn định và đồng bộ. Vậy mà năm nào vào học chính thức, thậm chí gần ngày thi rồi mà cũng "đổi mới...", giáo viên không kịp chuẩn bị, phụ huynh lo lắng, học sinh mất phương hướng.


Thứ 5: Áp dụng hình thức thi trắc nghiệm quá máy móc và tràn lan. Môn Toán là môn thể hiện năng lực lập luận, khả năng diễn đạt và tư duy logic. Nếu môn Toán mà thi trắc nghiệm thì sẽ đánh mất bản chất ý nghĩa giáo dục vô cùng quan trọng (chỉ sau triết học) của môn học này. Tương tự, môn Văn là môn học rèn luyện khả năng ngôn ngữ, năng lực cảm thụ, khả năng biểu đạt, với ý nghĩa nhân văn, cũng không nên tổ chức thi trắc nghiệm.


Thứ 6: Vì một kì thi mà không có mục đích cụ thể (là để xét tốt nghiệp hay tuyển sinh) nên lại cho phép các trường tổ chức thi riêng. Tức là nhiều em học sinh sẽ vẫn trải qua 2 kì thi đầy áp lực. Như thế thì không hề tiết kiệm và giảm tải.


Thứ 7: Mục đích của kì thì là đánh giá phân loại để tuyển chọn; yêu cầu quan trọng nhất của một kì thi là nghiêm túc và công bằng. Nhưng mục đích thì nửa vời, thi tại địa phương, cộng với căn bệnh thành tích cố hữu thì liệu có đạt được những mục đích và yêu cầu nói trên?

Bùi Gia Nội
Công bố phương án thi Quốc gia ngay đầu năm học
Công bố phương án thi Quốc gia ngay đầu năm học

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga (ảnh), sau khi nhận được những kiến nghị từ phía sở GD - ĐT, Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN