Chỉ còn 4 ngày nữa là học sinh lớp 12 trên cả nước bước vào kì thi THPT Quốc gia năm 2017. Các trường THPT hiện đã hoàn tất công tác ôn tập cho học sinh. Trong giai đoạn nước rút này, để các em học sinh có một tâm lí và hành trang vững vàng nhất bước vào “trận chiến”, những gợi ý sau sẽ giúp các em làm bài được tốt hơn:
Các em học sinh ôn luyện nước rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. |
Trước hết, các em phải nhớ và nắm chắc nội dung cơ bản của 9 bài trong chương trình GDCD lớp 12 (từ bài 1 đến bài 9). Học sinh cần loại trừ một số nội dung kiến thức trong chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT mà thầy cô đã dặn dò trên lớp.
Với các kiến thức giáo khoa đã được học, việc luyện đề thi để quen với các dạng câu hỏi rất quan trọng. Đặc biệt, các em cần chú trọng học kĩ những câu hỏi bài tập tình huống, xác định đúng tên gọi của các quyền, nhớ kĩ các từ khóa để tránh nhầm lẫn khi chọn câu trả lời đúng nhất.
Để làm được bài thi môn GDCD đạt mức 5-6 điểm không quá khó nếu học sinh tập trung chú ý nghe giảng và thường xuyên rèn bài tập, nhưng để đạt điểm 8 trở lên ngoài việc nhớ, hiểu các em cần phải làm nhiều bài tập, nhiều đề thi thử để quen với các dạng câu hỏi, giải quyết nhiều tình huống để khi gặp bài tương tự các em có thể nhận diện và phân tích nhanh chóng. Muốn nhớ bài lâu, các em nên sử dụng sơ đồ tư duy trong quá trình tổng hợp kiến thức, phương pháp học này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt cho học sinh.
Với mục đích tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ thì đề thi năm nay sẽ đảm bảo khoảng 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản để đánh giá học sinh đạt kết quả tốt nghiệp THPT (ở mức độ nhận thức: nhận biết và thông hiểu), 40% số câu kiểm tra kiến thức, kỹ năng nâng cao để phân hóa học sinh (ở mức độ nhận thức: vận dụng và vận dụng cao).
Với dạng phân bổ đề thi như thế, học sinh cũng đã được tạo điều kiện dễ dàng hơn trong khi làm bài. Để tránh mất thời gian, các em cần làm tuần tự từng câu hỏi từ trên xuống, làm đến đâu chắc đến đấy, các câu hỏi phần đầu của đề thi thường nằm trong 60% kiến thức cơ bản (nhận biết và thông hiểu) nên các em không mất quá nhiều thời gian cho phần này. 40% câu hỏi phân loại cấp độ khó hơn, các em sử dụng các phương pháp làm bài trắc nghiệm một cách triệt để nhất (phán đoán, dự báo,loại trừ…) để có thể hoàn thành hết các câu hỏi của bài thi.
Tuyệt đối tránh việc không học bài và “đánh lụi” hoàn toàn. Đề thi cũ những năm trước, có thể đáp án đúng của các câu hỏi thi trong một mã đề thi được chia đều cho 4 phương án A, B, C, D. Tức là mỗi phương án lựa chọn đều có thể có 25% là số đáp án đúng rơi vào phương án lựa chọn đó. Vì vậy, nếu thí sinh "chọn bừa": toàn A hoặc toàn B... thì sẽ được khoảng 2,5 điểm của bài thi.
Nhưng năm nay, việc tổ hợp các đề thi và bố trí vị trí các đáp án đúng của các câu hỏi thi là do máy tính tự động rút và sắp xếp, do đó rất có thể có những phương án lựa chọn A hoặc B hoặc C hoặc D của một số mã đề sẽ chỉ có khoảng 10% là đáp án đúng rơi vào phương án lựa chọn đó. Vì vậy, nếu thí sinh cứ “chọn bừa” tất cả bài thi là một phương án thì có thể vô tình chọn vào phương án chỉ có 10% đáp án đúng, như vậy thí sinh chỉ được 1 điểm môn đó dẫn đến bị điểm liệt và trượt tốt nghiệp.
Việc học bài rất quan trọng nhưng tâm lí khi đi thi cũng là yếu tố góp phần cho thành công của các môn thi.
Những ngày cận kề ngày thi, các em cần ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, xem lại bài học, chuẩn bị dụng cụ để đi thi; trang phục gọn gàng, thoáng mát; chuẩn bị các loại giấy tờ đầy đủ, đúng yêu cầu. Nghiên cứu địa chỉ trường thi để sắp xếp đến trường thi đúng giờ quy định. Nên đi sớm khoảng 30 phút để tránh rủi ro trên đường và có thời gian thoải mái xem lại kiến thức.
Vào phòng thi, học sinh cần tạo cảm giác thoải mái, điền đầy đủ các thông tin cá nhân lên giấy làm bài theo yêu cầu của cán bộ coi thi.
Sau khi nhận đề, cần kiểm tra kĩ đề (rõ chữ chưa, đủ số trang không, giống mã đề của các môn thi tổ hợp không…). Các em nên bình tĩnh làm bài, có thể khoanh đáp án trên đề, các câu khó có thể dùng kí hiệu riêng để khi còn thời gian các em quay lại đọc kĩ, cân nhắc và chọn đáp án cuối cùng.
Dùng 10 phút cuối để tô đáp án lên phiếu trả lời trắc nghiệm, chỉ có 40 câu nên các em cần cẩn thận, kiểm tra kĩ xem có tô trùng, tô 2 đáp án trên 1 câu…