Cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước ngày 21/7 Bộ sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành giáo viên và sức khỏe. Trên cơ sở này, ngày 22/7, các trường sẽ công bố điểm nhận hồ sơ, để thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22- 31/7.
Theo quy định, thí sinh chỉ được sử dụng một trong hai phương thức để thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển: Bằng hình thức trực tuyến (từ ngày 22/7 đến 17giờ ngày 29/7) hoặc bằng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7). Chậm nhất ngày 8/8 các trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển.
Nếu phải điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh phải chú ý cách thức, nếu trực tuyến thì chỉ được thay đổi các thứ tự nguyện vọng, còn bằng phiếu thì có quyền tăng thêm số lượng nguyện vọng. Thí sinh sẽ thực hiện tại các điểm thu nhận hồ sơ. Khi điều chỉnh trực tuyến, thí sinh phải lưu ý ghi đúng mã ngành, mã trường, đúng tổ hợp môn xét tuyển.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, nhìn chung phổ điểm trung bình của kỳ thi tuyển sinh năm nay nằm ở mức 17 - 20 điểm, ít có điểm cao đột biến. Tuy nhiên, phổ điểm năm nay tăng 1 -2 điểm so với năm trước. Thí sinh chỉ có một cơ hội duy nhất để điều chỉnh nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nên bỏ qua bước đối sánh mức điểm vừa đạt được trong kỳ thi THPT Quốc gia với chỉ tiêu xét tuyển của ngành, của trường trong năm 2019 và mức điểm trúng tuyển của các năm trước đó. Nếu thấy việc chọn các ngành để đăng ký trước đây là chưa hợp lý hoặc kết quả thi quá khác biệt so với kỳ vọng, thì nên đăng ký thêm nguyện vọng vào các trường, các ngành có mức điểm phù hợp.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, khi đã có kết quả thi THPT quốc gia, trường dự kiến mức điểm nhận hồ sơ là 15 điểm ở tất cả các tổ hợp môn. Dự kiến năm nay điểm chuẩn có thể tăng 1 - 2 điểm so với năm trước, vì kết quả thi của thí sinh năm nay khá tốt.
Các chuyên gia tuyển sinh cũng cho hay, nếu điểm thi cao hơn so với điểm chuẩn năm ngoái, thí sinh có thể không thay đổi nguyện vọng. Ngược lại, nếu thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái thì nên điều chỉnh nguyện vọng.
Tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển
Bên cạnh việc lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng, năm nay có nhiều phương án xét tuyển, trong đó có những phương án không cần dựa vào điểm thi THPT Quốc gia như phương thức xét tuyển học bạ, dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, kỳ thi đánh giá năng lực riêng của từng trường…
Việc tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển sẽ giúp các thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển của mình. Thời gian xét tuyển các phương thức, các trường đã ghi cụ thể trong đề án tuyển sinh của từng trường theo quy định. Trong kỳ tuyển sinh 2019 này, có hơn 100 trường ĐH, CĐ cả nước áp dụng phương thức xét tuyển học bạ với nhiều tiêu chí xét khác nhau, có trường xét kết quả học tập 3 năm THPT, số khác thì xét điểm 5 học kỳ hay xét tổ hợp điểm 3 môn năm lớp 12.
"Với những ưu thế nổi bật của phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh không phải lo bị chi phối từ điểm thi THPT Quốc gia. Những thí sinh có điểm thi không tốt vẫn có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, các bạn cũng nên lưu ý bởi các trường đại học uy tín cũng chỉ dành một số lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển này. Vì thế các thí sinh nên tranh thủ nộp hồ sơ sớm để tăng cơ hội trúng tuyển". Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích chia sẻ.