Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ cấp 10.000 điện thoại thông minh hỗ trợ học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn có phương tiện học trực tuyến.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, một số em tham gia học trực tuyến chưa thường xuyên do phải dùng chung thiết bị với phụ huynh, với anh chị. Một số địa phương đường truyền internet chưa ổn định. Trường hợp các em phải dùng sóng 3G, 4G để tham gia học trực tuyến thì chất lượng buổi học cũng không ổn định.
Đối với các học sinh không thể tham gia học trực tuyến, các cơ sở giáo dục và giáo viên đã thực hiện nhiều giải pháp để dạy và học như dạy học qua truyền hình (qua kênh VTV7), chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học sinh thông qua việc phô-tô tài liệu và gửi phụ huynh học sinh.
Đối với các em học sinh phải dùng chung thiết bị với phụ huynh, với anh chị em trong gia đình để tham gia học trực tuyến, các cơ sở giáo dục đã thực hiện việc điều chỉnh thời gian học tập như học vào buổi tối.
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà trường, các cơ sở giáo dục triển khai việc dạy và học trực tuyến; thực hiện các giải pháp để hỗ trợ học sinh không có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến như dạy học qua truyền hình, phô tô tài liệu học tập, kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức thông qua Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Ngoài ra, căn cứ vào văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Bình Phước về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng các hướng dẫn về tổ chức dạy và học phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, trong thời gian tới sau khi các em học sinh đến trường, nhà trường sẽ có phương án tiến hành kiểm tra khả năng tiếp thu bài và phân loại theo các em để có hướng bồi dưỡng lại kiến thức. Hiện nay, hầu hết các học sinh đều được tiếp cận học bằng các hình thức học trực tuyến, phô-tô tài liệu, gửi tài liệu bằng email và zalo.
Dự kiến, giữa tháng 10, tỉnh Bình Phước sẽ cấp 10.000 điện thoại thông minh cho các em học sinh theo đối tượng ưu tiên từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 14.000 học sinh chưa có thiết bị để tham gia học trực tuyến (số liệu thống kê cụ thể từng địa phương chưa đầy đủ). Trước đó, số liệu thống kê đầu năm học là 95.666 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến.
Ngoài ra, theo thống kê của Sở Thông tin và Tuyền thông tỉnh Bình Phước, đầu năm học toàn tỉnh Bình Phước có hơn 300 vùng lõm thiếu sóng internet. Đến nay, sau khi các cơ quan chức năng khắc phục, chỉ còn 1 trường ở huyện Bù Đăng thiếu đường truyền internet, 22 điểm trường thiếu sóng.