Theo bà Nguyễn Thanh Hải, bỏ biên chế trong giáo dục là chủ trương lớn. Theo xu hướng chung, điều này sẽ làm tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, và cuối cùng chính người dân được hưởng lợi.
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội. |
Thực tế cho thấy, có một số giáo viên khi tuyển vào thì đạt chất lượng nhưng trong quá trình làm việc, người được tuyển dụng đó không cố gắng, cứ nghĩ là mình nằm trong biên chế rồi. Đến giờ là lên lớp, không có trách nhiệm nâng cao chất lượng bài giảng.
"Chủ trương này xét ở chiều hướng tích cực sẽ là luồng gió mới để kích thích các giáo viên nâng cao trình độ, say mê với nghề nghiệp. Qua đó cũng có cơ chế lương bổng hợp lý, người dạy giỏi thì lương cao, người kém hơn thì lương thấp hơn...", bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác thì nhiều giáo viên ở vùng khó khăn, vùng 135 cũng đang lo lắng. Những người đã gắn bó với trẻ em vùng cao suốt thời gian dài, tuổi đã lớn, giả sử họ không đáp ứng được yêu cầu mới mà không được tuyển dụng thì họ sẽ rất khó kiếm được công việc mới.
Bà Hải phân tích: "Chính sách thì tốt rồi những áp dụng ở đâu, vào thời điểm nào thì phải tính toán. Có thầy cô giáo chỉ còn khoảng 5 năm nữa nghỉ hưu mà yêu cầu cập nhật kiến thức mới thì hơi khó. Nếu bỏ biên chế để tuyển dụng người khác thì chất lượng giáo dục của trường đó có thể tốt hơn được một chút nhưng xét về góc độ sử dụng cán bộ, sử dụng con người thì có vấn đề. Cần xem xét mặt tích cực và mặt hạn chế để tính toán làm sao hợp lý".
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đề xuất: Đầu tiên có thể áp dụng ở khối trường đại học, phổ thông rồi mới đến tiểu học, mầm non... áp dụng ở khu vực thành phố trước vì đây là nơi mà các thầy cô năng động hơn và có nhiều cơ hội việc làm hơn.
"Về chủ trương thì cần làm nhưng làm ở phạm vi, đối tượng, thời điểm nào thì cần cân nhắc", bà Hải chốt lại.