Bộ GD&ĐT nhận định, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai ngay việc thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình học sinh bị tử vong; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các trường học trên địa bàn, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần đối với giáo viên và học sinh. Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội báo cáo bằng văn bản về Bộ GD&ĐT trước ngày 9/8/2019.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước đó, ngày 5/8/2019, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 3343/BGDĐT-GDCTHSSV gửi các sở GD&ĐT về việc về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đầu năm học 2019 - 2020.
Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn có hợp đồng xe ô tô đưa, đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Ông Bùi Văn Linh cho biết, hiện nay, dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến. Không chỉ ở thành phố mà tại các tỉnh, nhiều phụ huynh cũng tham gia vì điều kiện đường xa, không có nhân lực đưa đón. Tuy nhiên, việc này cũng tồn tại nhiều bất cập như: Chất lượng xe không đảm bảo; ý thức lái xe không cao; hiểu biết pháp luật giao thông, các biện pháp bảo đảm an toàn không có hoặc thiếu...
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia nghiên cứu hướng dẫn, quy định cụ thể hơn các tiêu chí đối với dịch vụ này theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể, trách nhiệm các bên liên quan; các chỉ báo dán mác/màu xe… để dịch vụ này được đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối cho học sinh.