Bộ Giáo dục - Đào tạo: Chưa áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia

Trước sự việc đề xuất cải tiến tiếng Việt gây nhiều tranh cãi thời gian qua của PGS.TS Bùi Hiền, đại diện phía Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định, Bộ không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Đề xuất thay đổi một số chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.

Theo Bộ GD-ĐT, đề xuất cải tiến tiếng Việt gây sốc dư luận của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là nghiên cứu, ý kiến cá nhân chưa được tổ chức nào chấp nhận. Theo đó, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ Quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ học. 

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tôn trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học. Nhưng để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.


Bài viết “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” của PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt;  được in trong cuốn "Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển" (tập 1), do NXB Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9/2017; đã gây xôn xao dư luận.


Trong bài viết này, PGS.TS. Bùi Hiền cho rằng, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...


Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra gồm: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).


PGS.TS. Bùi Hiền cho rằng đây là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại. Qua đó đó, ông kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước.


Chữ quốc ngữ cải tiến của PGS.TS. Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.


Theo  PGS.TS. Bùi Hiền , việc cải tiến theo cách này sẽ loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng, giản tiện được bộ chữ cái từ chữ xuống chỉ còn 31 chữ. Đồng thời, tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.


Ngay sau khi thông tin về ý tưởng cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền xuất hiện trên mạng xã hội, dư luận đã tranh cãi khá gay gắt.


Lê Sơn/Báo Tin tức
Đề xuất lương giáo viên ngang bằng với lương bác sĩ, kỹ sư cao cấp
Đề xuất lương giáo viên ngang bằng với lương bác sĩ, kỹ sư cao cấp

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục hiện hành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa trình Chính phủ đề xuất nhiều quy định mới. Trong đó đáng chú ý nhất là đề xuất về tiền lương cho giáo viên và miễn học phí cấp Trung học cơ sở (THCS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN