Ngày 31/7, tại buổi lễ công bố quy hoạch phân khu xây dưng ĐHQG-HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHGQ-HCM cho biết, việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ĐHQG-HCM.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, phát triển cơ sở vật chất phục vụ học tập, nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên, giảng viên và cán bộ ĐHQG-HCM là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay các dự án khu đô thị chưa hoàn thành do vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Từ nhu cầu này, năm 2019, ĐHQG-HCM đã thực hiện Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng chiến lược phát triển của đơn vị, phù hợp với quy hoạch đô thị của hai địa bàn giáp ranh là thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
“Quy hoạch này giúp ĐHQG-HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bố trí tái định cư để ĐHQG-HCM sớm có quỹ đất thực hiện các dự án; đồng thời giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, triển khai đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất thuộc Khu đô thị ĐHQG-HCM nói chung và công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển của ĐHQG-HCM nói riêng”, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết.
Ngoài ra, việc nâng cao các chỉ tiêu diện tích sàn/sinh viên và điều chỉnh các hệ số trong quy hoạch tạo cơ sở, điều kiện để ĐHQG-HCM triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình theo chuẩn mới, quy mô mới, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất để phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á như nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao phó.
Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3/7/2023 trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt ngày 21/3/2014.
Tại Đồ án này, ĐHQG-HCM được xác định là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á. Đến năm 2030, quy mô đào tạo dự kiến tại khu quy hoạch ĐHQG-HCM là 65.000 sinh viên. Quy hoạch này có tổng diện tích 643,7 ha, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhu cầu phát triển của ĐHQG-HCM.
Quy hoạch lần này có điều chỉnh so với Quy hoạch năm 2014 gồm: Bổ sung khu tái định cư 10,03 ha trên địa bàn phường Linh Xuân (thành phố Thủ Đức) để tổ chức tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu quy hoạch ĐHQG-HCM thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh; tăng chỉ tiêu diện tích sàn/sinh viên theo quy hoạch năm 2014 từ 15 - 18m2 sàn/sinh viên lên thành 20m2 sàn/sinh viên; cập nhật hạ tầng kỹ thuật một số tuyến đường, công trình trong khu đô thị...
Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM sẽ do ĐHQG-HCM phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương thực hiện. Bộ Xây dựng là đơn vị đảm bảo quá trình triển khai tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cũng như thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần.