Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI vừa qua là đã thảo luận và quyết định ra Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhân dịp này, TTXVN trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phạm Vũ Luận (ảnh).
Là “tổng chỉ huy” việc xây dựng Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo vừa được Hội nghị BCH Trung ương 8 khóa XI thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết riêng, Bộ trưởng có thể chia sẻ cảm xúc của ông lúc này?
Với tư cách là Bộ trưởng, một thành viên trong Ban soạn thảo giúp BCH Trung ương Đảng chuẩn bị Đề án Đổi mới căn bản toàn diện GD- ĐT, khi Trung ương thông qua Nghị quyết chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi nghĩ tất cả các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, nhân dân cả nước cũng chia vui với chúng tôi.
Những bộ SGK hiện tại sẽ dần được thay mới trên cơ sở đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Phương Vy-TTXVN |
Được học tập trong ngôi trường khang trang là mong mỏi của mọi học sinh. Hoàng Hải-TTXVN |
Xin cảm ơn đại diện các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục, trong và ngoài nước đã hỗ trợ, tham gia với chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo tham vấn các ý kiến để chắt lọc, hệ thống hóa, xây dựng các báo cáo, dần hình thành Dự thảo Nghị quyết trình Ban Chấp hành trung ương Đảng.
Chúng tôi hy vọng niềm vui này sẽ biến thành sự quyết tâm, đồng lòng, đồng chí, phát huy nhiệt tình và trí tuệ tập thể để xây dựng và thực hiện một chương trình hành động của ngành giáo dục đào tạo triển khai đưa Nghị quyết vào đời sống.
Bộ trưởng vui lòng cho biết những điểm mới cốt yếu trong nội dung Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo này?
Nội dung Nghị quyết này có nhiều điểm mới liên quan đến tất cả các hoạt động giáo dục nhưng tôi biết xã hội quan tâm đến việc Đổi mới Chương trình - sách giáo khoa phổ thông nên xin nói rõ về nội dung này.
Sau khi phân tích, đánh giá sâu sắc bất cập, thực trạng giáo dục phổ thông vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi đến quyết định phải có sự thay đổi cả trong thiết kế chương trình, nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy theo hướng chuyển từ lối truyền thụ kiến thức đọc chép bị động sang tổ chức dạy và học hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của người học.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay gồm các môn khoa học: toán, lý, hóa, văn, sử, địa ,… và thiết kế theo hình tròn đồng tâm, kiến thức dồn từ lớp cao xuống lớp dưới dẫn đến vừa trùng lặp vừa quá tải.
Những bộ SGK hiện tại sẽ dần được thay mới trên cơ sở đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Phương Vy-TTXVN |
Trong thời đại bùng nổ thông tin, tri thức và khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, nên chúng tôi đã tìm ra một cách thiết kế Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông mới. Không thể thiết kế chương trình giáo dục phổ thông như cũ mà sẽ tích hợp cao ở bậc học dưới và phân hóa tự chọn mạnh ở các lớp trên.
Ở các lớp dưới tích hợp thành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Chúng ta lựa chọn kiến thức khoa học cốt yếu nhất, phù hợp với thực tiễn đời sống, phù hợp tâm sinh lý trẻ, để các cháu có chương trình học nhẹ nhàng, không căng thẳng và thiết thực.
Các lớp cuối 11, 12, ngoài các môn bắt buộc, các cháu học tùy vào sở thích, năng lực và hướng tới mục tiêu là chuẩn cho một nghề khi trưởng thành.
Thiết kế theo cách này sẽ khắc phục được tình trạng học nhiều nhưng thụ động, tránh được sự quá tải, tránh nội dung học tập xa rời thực tiễn, mang tính kinh viện, hàn lâm.
Phương pháp dạy và học theo đó cũng có sự thay đổi căn bản. Trước đây thầy là người truyền thụ kiến thức, trò ghi nhớ. Chương trình mới đòi hỏi người thầy là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn học sinh tự nhận thức, tự nghiên cứu để có kiến thức, đặc biệt là có các kỹ năng để vận dụng kiến thức vào đời sống.
Học sinh sẽ không bị động mà học theo nhóm, thảo luận để cùng thực hiện nhiệm vụ cụ thể dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Như vậy tính chủ động của học sinh tăng lên, khả năng làm việc theo nhóm cũng tăng lên, năng lực tự nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ khoa học dần hình thành ngay từ những năm học phổ thông.
Cách thi, kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi: không nặng đánh giá kiến thức học sinh thuộc mà chú ý đánh giá năng lực, kỹ năng học sinh đạt được.
Bộ trưởng có thể cho biết ý tưởng đổi mới cách thiết kế và đổi mới Chương trình - Sách giáo khoa phổ thông lần này đến từ đâu và dựa trên những mô hình thực tế nào?
Cách thiết kế mới chúng tôi có được dựa trên việc tổng kết đánh giá thực trạng giáo dục hiện nay, phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm. Bên cạnh đó chúng tôi tiếp thu các thành tựu giáo dục thế giới thông qua sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế, nhiều chuyên gia, nhà giáo, lưu học sinh VN đang sống và làm việc ở nước ngoài.
Chúng tôi cũng đã thực hiện trong thực tế các mô hình mới như: Dạy tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục mới; Mô hình trường tiểu học mới VNEN, phương pháp “bàn tay nặn bột”,…. Việc thực nghiệm các mô hình mới này đã tiến hành trên phạm vi khá rộng, không phải chỉ ở vùng thuận lợi và cho kết quả tốt ở cả vùng khó khăn, hứa hẹn khả năng nhân rộng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các mô hình mới này để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức.
Lộ trình đổi mới sẽ bắt đầu từ khâu nào, thưa Bộ trưởng?
Nghị quyết nêu rõ 9 giải pháp, trong đó 2 giải pháp quan trọng và có ý nghĩa then chốt là: Đổi mới quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo. Giải pháp mang tính đột phá là đổi mới công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá.
Chọn đổi mới thi cử, kiểm tra là khâu đột phá vì đây là khâu xung yếu và có tác dụng lan tỏa. Trong giáo dục, đổi mới thi cử, kiểm tra sẽ chi phối và làm thay đổi các hoạt động khác. Việc này cũng không tốn kém nhưng có ý nghĩa xoay chuyển việc học và dạy của cả thầy và trò.
Trong những lần cải cách giáo khoa trước đây tôi không tham gia trực tiếp nhưng qua rà soát, đánh giá lại, chúng tôi thấy có hạn chế là thiếu sự gắn bó giữa trường phổ thông và trường sư phạm. Quá trình chuẩn bị xây dựng Đề án lần này từ khi mới là ý tưởng chúng tôi đã huy động sự tham gia trực tiếp của nhiều Gs, PGs, cán bộ quản lý, giảng viên các trường sư phạm.
Sắp tới chúng tôi sẽ thiết kế thay đổi chương trình các trường sư phạm phù hợp và đi trước sự đổi mới ở trường phổ thông. Ví dụ sắp tới học sinh phổ thông không học các môn khoa học riêng lẻ mà học môn học tích hợp thì chương trình đào tạo ở trường sư phạm cũng không còn môn khoa học riêng. Phương pháp dạy học, cách kiểm tra đánh giá của trường sư phạm cũng đổi mới. Sự đổi mới ở hệ thống trường sư phạm không mang nghĩa tự thân mà nhằm mục tiêu phục vụ sự đổi mới ở trường phổ thông.
Thưa Bộ trưởng, ngay sau đây ngành giáo dục đào tạo sẽ triển khai việc thực hiện nghị quyết mới này như thế nào?
Trước hết, toàn ngành sẽ tổ chức quán triệt, học tập nghiêm túc để nắng vững, nắm đúng, hiểu đúng tinh thần Nghị quyết, từ đó có một sự quyết tâm, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng một Kế hoạch hành động khoa học, thực tế, hiệu quả. Việc triển khai diễn ra đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực
Chúng tôi sẽ có một kế hoạch và phân công nhiệm vụ rõ ràng trước hết là trong ngành và sau đó đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp thực hiện để đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào đời sống.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng !
Hoàng Hoa(thực hiện)