Các nhà Toán học kiến nghị về hình thức tri trắc nghiệm

Theo Hội Toán học Việt Nam, hình thức thi trắc nghiệm có nhiều hạn chế trong việc đánh giá tư duy và năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo của thí sinh.

Ngày 24/9, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam Phùng Hồ Hải cho biết, Hội đã chính thức kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong kỳ thi Trung học phổ thông 2017.

Hội Toán học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) kiến nghị hoãn việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan, tiếp tục thi tự luận đối với môn Toán trong kì thi xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2017.

Thi trắc nghiệm môn Toán, đặc biệt ở đặc thù hiện nay của Việt Nam, chưa có khả năng phân loại cao. Ảnh: TTXVN

Bộ nên tiến hành những nghiên cứu hệ thống, khoa học gồm tổ chức các Hội thảo quốc gia nhằm phân tích những luận cứ khoa học của việc nên hay không nên thi trắc nghiệm môn Toán; đánh giá hiệu quả thực tiễn của kì thi trắc nghiệm Toán tại một vài nơi của Việt Nam trong những năm qua. Trên cơ sở kết quả các Hội thảo quốc gia, sẽ quyết định có nên chuyển đổi thi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm hay không. Trong trường hợp giả định có chuyển đổi, cần một thời gian chuẩn bị hợp lý.

Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam đề nghị có cuộc đối thoại giữa các cấp lãnh đạo có quyền ra quyết sách và Ban chấp hành Hội nhằm mục tiêu cao nhất là các đổi mới trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia nói riêng và trong giáo dục Việt Nam nói chung, luôn đạt được sự đồng thuận xã hội, và hứa hẹn thành công, đáp ứng mục tiêu giáo dục và nguyện vọng của tất cả học sinh, của mỗi gia đình, nhà trường, và của toàn xã hội.

Theo Hội Toán học Việt Nam, với môn Toán, thi tự luận có ưu điểm vượt trội trong đánh giá tư duy và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, mặc dù kết quả thi có thể phụ thuộc ít nhiều vào chủ quan người chấm. Thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan tránh được yếu tố này, nhưng lại có nhiều hạn chế trong việc đánh giá tư duy và năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo của thí sinh. Đặc biệt, thi theo hình thức trắc nghiệm có tính phân loại không cao, nhất là khi ngân hàng đề thi chưa đảm bảo chất lượng, chưa được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn, trong một thời gian đủ dài, nhằm hình thành một hệ thống câu hỏi tốt, có khả năng phân loại thí sinh.

Để có đủ cơ sở khoa học và sức thuyết phục, các kỳ thi trắc nghiệm Toán đã được thực hiện ở một vài nơi của Việt Nam cần được đánh giá công bằng về tính khoa học và hiệu quả thực tiễn, phân tích lý do vì sao phải chuyển đổi từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm môn Toán... Các nghiên cứu đánh giá khoa học, hệ thống, chính thức về thi tự luận và thi trắc nghiệm cần được công bố rộng rãi để nhân dân biết, hiểu và hy vọng được họ ủng hộ. Việc chuyển đổi ngay khi chưa có các thông tin cần thiết, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, cũng như chưa dành một thời gian đủ lớn để xử lý các vấn đề tồn đọng sẽ tạo thành mối quan ngại lớn, gây xáo trộn trong việc học tập của học sinh, trong tâm lý của phụ huynh học sinh và có thể gây hoang mang trong toàn xã hội.

Năm 2017, nhiều khả năng hầu hết các trường đại học (trừ số ít các trường năng khiếu như nghệ thuật, thể thao...) sẽ vẫn sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia để tuyển sinh vào đại học và cao đẳng, mà không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Thi trắc nghiệm (môn Toán), đặc biệt ở đặc thù hiện nay của Việt Nam, chưa có khả năng phân loại cao. Việc sử dụng kết quả của nó để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là một điều đáng lo ngại, có nhiều khả năng gây mất công bằng cho thí sinh.

M.N (TTXVN)
Bộ Giáo dục phản hồi thí điểm dạy tiếng Nga, Trung
Bộ Giáo dục phản hồi thí điểm dạy tiếng Nga, Trung

Chiều 22/9, Bộ GD-ĐT phản hồi thông tin về dự kiến thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất trong trường phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN