Quản lý bằng phần mềm chung
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), quy định trên sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội vào 2 trường. Nhưng việc tạo thêm lợi thế cho thí sinh đồng nghĩa với việc các trường sẽ phải vất vả hơn trong việc kiểm soát hồ sơ ảo. Tất nhiên, phương án thi nào cũng có mặt được, mặt chưa được. Tỷ lệ hồ sơ ảo năm nào cũng được nhắc đến và là mối lo chung của các trường. Do đó, Bộ khuyến khích việc các trường tìm ra giải pháp phù hợp tới thực tế, ưu tiên quyền lợi của thí sinh.
Các trường đại học dự kiến lập nhóm tuyển sinh để hạn chế hồ sơ ảo. Ảnh: TTXVN |
Theo dự báo, thí sinh ảo sẽ chỉ nằm ở những nhóm trường top trên. Vì vậy, nhiều trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, ĐH Ngoại thương, ĐH Giao thông vận tải... cho biết sẽ lập nhóm xét tuyển với mục đích chia sẻ thông tin từ dữ liệu tuyển sinh chung. Đại diện một số trường đại học này cũng cho biết, sẽ sớm công bố phương án giảm tỷ lệ ảo của nhóm trường sau khi đã được bàn thảo kỹ lưỡng. Phương án được nhiều trường tính toán tới là phần mềm lọc thí sinh ảo. Phần mềm này sẽ giúp các trường trong nhóm tuyển sinh loại trừ được thí sinh ảo.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội, thực tế, cơ hội của thí sinh năm nay nhiều hơn bởi quy định mở của bộ. Chắc chắn nhiều em sẽ đăng ký cả 2 nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Nhưng những thí sinh điểm cao sẽ trúng tuyển cả hai trường. Đây sẽ là khó khăn với các trường. Vì vậy, sử dụng phần mềm lọc thí sinh là giải pháp hiệu quả. Với điều kiện các trường có mức điểm đầu vào ngang nhau, cùng sử dụng chung một dữ liệu.
Theo ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng nếu các trường lập nhóm tuyển sinh thì có thể sẽ có một đầu mối tập hợp các dữ liệu hồ sơ xét tuyển của các trường. Các trường sẽ dùng chung một phần mềm xét tuyển. Từ kho dữ liệu chung và căn cứ vào tiêu chí xét tuyển của trường, các trường, sẽ tính điểm chuẩn phù hợp.
Tuy nhiên, đến nay chưa trường đại học nào công bố về việc thuộc nhóm nào và phương án tuyển sinh cụ thể nào. Nhiều trường cho rằng, dù nhóm tuyển sinh được thành lập nhưng vẫn rất cần thông tin chung từ dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD - ĐT để có thể nắm được tình hình đăng ký xét tuyển của thí sinh, qua đó xác định số thí sinh trúng tuyển sát với chỉ tiêu, giảm tình trạng ảo.
Bộ sẽ hỗ trợ
Nhận định về thực tế này, ông Mai Văn Trinh cho rằng, nếu các trường có cơ sở dữ liệu chung của nhóm và các nhóm trường đưa ra quy định về thứ tự xét nguyện vọng là tốt nhất. Khi xét tuyển, nguyện vọng của thí sinh sẽ được xem xét theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng trước thì sẽ không được xét ở nguyện vọng tiếp theo. Bộ khuyến khích các trường đưa ra phương án của nhóm và sẵn sàng hỗ trợ nếu cần.
Để khắc phục tình trạng hồ sơ ảo, ông Trinh cho rằng, trong quá trình đăng ký xét tuyển, phần mềm quản lý thi của Bộ GD - ĐT sẽ bảo đảm thí sinh đăng ký không vượt quá số nguyện vọng được quy định của Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016. Căn cứ nhiều tham số như số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh và qua những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trong tuyển sinh, các trường sẽ phải giải quyết tỷ lệ hồ sơ ảo bằng cách quyết định một số dôi dư phù hợp so với chỉ tiêu nhằm khắc phục được hồ sơ ảo.